Trưởng thành từ gian khó
Vào ngành giáo dục từ năm 1997, đến nay, cô Phùng Thị Phượng - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) đã có 25 năm gắn bó với nghề giáo. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây và có hơn 17 năm công tác tại các trường học miền núi, xa trung tâm; tới năm 2014 cô mới chuyển về dạy tại ngôi trường hiện tại. Trong suốt chừng ấy năm cống hiến, cô Phượng đã có biết bao kỷ niệm khó quên bên lớp lớp học trò.
"Những năm tháng dạy học trên miền núi khổ nhất là điện không có, trường lớp là tranh tre, vách nứa. Tôi rất nhớ những ngày cùng học sinh vào rừng chặt nứa về đan vách, làm mái dựng lớp cho các em học. Nền lớp học là đất bột nên mỗi khi tan học là cô trò xách nước dội vào lớp để hôm sau đến lớp không bị bụi. Hành lang lớp học chỉ là mấy tấm ván ghép lại thô sơ cao chừng 70 cm. Mưa thì hắt vào tận chỗ các em ngồi, nắng thì di chuyển chỗ mãi vẫn không hết nắng.
Những buổi giảng bài của mình, học trò có thể nghe được cả tiếng cô giáo dạy ở lớp bên cạnh. Thậm chí có em ngồi cuối lớp còn khoét vách để nhòm sang trêu ghẹo các bạn lớp bên. Thế nhưng từ những mái trường đơn sơ ấy mà cô trò chúng tôi gắn bó với nhau hơn. Nhiều học trò giờ đã có gia đình nhỏ nhưng vẫn nhớ về tôi, vẫn nhắc về những tháng năm gian khó đó như một phần của kí ức tuổi thơ. Cuộc sống hiện tại tôi vẫn thường xuyên giúp đỡ các em đó mỗi khi gặp khó khăn" - cô Phượng nhớ lại.
Khi trở về quê hương Chương Mỹ giảng dạy tại Trường THCS Thủy Xuân Tiên thì kỉ niệm cũng vẫn luôn ăm ắp trong tâm trí cô giáo trẻ. Cô giáo Phùng Thị Phượng nhớ như in những lần chuẩn bị ngày mai là học sinh thi vào 10 nhưng gia đình nhất định không chịu cho con thi chỉ vì gia đình còn quá khó khăn. Cô đã lên tận nhà thuyết phục và không quên mua sữa, đồ ăn cho học sinh.
Sáng sớm vì lo sợ gia đình không đưa con đi thi nên cô đã đến nhà em đó từ sớm tinh sương để chờ đưa em đi. Năm ấy lớp cô Phượng có rất nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt như gia đình nghèo không có cái ăn, bố mẹ thì ly dị. Cô đã luôn che chở, gần gũi và bảo ban các em. Có lúc cô vét hết những đồng tiền của mình trong túi để đưa các em đi mua thức ăn. Giờ các em cũng đều đã trưởng thành và có gia đình. Chúng vẫn thường xuyên về thăm hỏi và gọi cô với một tiếng thân thương là “mẹ Phượng”.
Thông điệp yêu thương qua từng bài giảng
Thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải nhiều lần chuyển đổi hình thức học trực tiếp - trực tuyến. Thời gian đầu các em làm quen với học online cô luôn yêu cầu các em bật micro và camera để giáo viên biết không gian học tập của các em có đảm bảo không. Và khi bật camera sẽ có tác dụng ít nhiều học sinh ngồi học nghiêm túc hơn vì sợ cô phát hiện mình làm việc riêng. Đây cũng là cách để nâng cao chất lượng học tập của học trò.
"Trong quá trình học tập, tôi thường xuyên yêu cầu các em nộp bài vào nhóm để cô chấm chữa bài cho từng em. Đây là việc tôi duy trì trong các tiết học, giờ học tránh học sinh chểnh mảng việc học và tạo sức ì. Tôi quan điểm, nếu học sinh lơ là một lần là sẽ bị những cám dỗ khác lôi kéo ngay, nhất là trong thời gian học online như hiện nay. Trong các bài giảng tôi luôn đưa học sinh vào các tình huống thực tế để tạo sự lôi cuốn, hứng thú và cũng để các em tự rút ra bài học cho bản thân.
Bên cạnh đó, tôi luôn giao bài cho học sinh chuẩn bị, tham gia các gameshow mini, sinh hoạt theo chủ đề. Trong đó, các em tự xây dựng kịch bản, thiết kế nội dung và phân công nhau thực hiện. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục thực hiện việc phân loại học sinh để có kế hoạch theo dõi tình hình học tập của các em. Đồng thời, tôi định hướng cho học trò thi vào lớp 10 trường nào để phù hợp với năng lực của mình", cô Phượng nhấn mạnh.
Là phụ huynh có con đang học lớp 8A2 do cô Phượng chủ nhiệm, chị Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: "Cháu nhà tôi học lớp cô Phượng từ năm lớp 6. Qua ba năm dạy các cháu nên chúng tôi nhận thấy cô là người giáo viên mẫu mực, hết lòng vì học trò. Dù đang bị bệnh và mới phải ghép thận, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nhưng không vì thế mà nhiệt huyết nghề giáo trong cô bị vơi bớt. Cô luôn chuẩn chỉ từ bài giảng và rèn nề nếp cho học sinh cho dù dạy online hay trực tiếp.
Thông qua những giờ giảng online môn Ngữ văn, tôi và nhiều phụ huynh khác cảm thấy chất văn của cô thực sự rất tuyệt vời và thấm đẫm chất nhân văn, tính giáo dục trong từng bài giảng cho học trò. Đến giờ Ngữ văn là các cháu rất hào hứng học tập, chúng tôi rất tin tưởng và quý mến cô Phượng".
Nhận xét về người đồng nghiệp, cô Hoàng Thị Minh Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho hay, cô Phượng là một tấm gương cả về chuyên môn lẫn lối sống rất đáng để mọi người học tập. Dù mắc bệnh và phải tiến hành ghép thận từ tháng 7/2021, nhưng cô Phượng vẫn luôn tận tâm, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, những giờ dạy online vẫn được duy trì đều đặn. Trong công tác, cô Phượng là một giáo viên tâm huyết với nghề, với học trò, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhiều năm liền cô Phùng Thị Phượng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo thành phố năm học 2019-2020...