Thời trang Việt loay hoay “làm” thương hiệu

GD&TĐ - Khoảng vài ba năm trước, các thương hiệu thời trang ngoại như: Louis Vuitton, Hermes, Doice & Gabbana, Lacoste... chỉ dành cho những người có thu nhập cao. 

Thời trang Việt loay hoay “làm” thương hiệu

Tuy nhiên, hiện nay, thời trang ngoại nhập ồ ạt tấn công vào thị trường Việt trên tất cả các phân cấp của thị trường. Trong đó, phân khúc trung bình đang bị khuấy đảo bởi những thương hiệu như: Uniqlo, Zara, Mango, H&M... đã tạo áp lực không nhỏ đối với các nhà sản xuất trong nước.

Tìm chỗ đứng trên “sân nhà”

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thời trang, hiện trên thị trường Việt Nam đang có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại. Điều này cho thấy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm thị trường nước ta.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Niesel, có tới 56% người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu.

Đó cũng là một trong những lý do khiến sau một thời gian xây dựng, tạo dấu ấn hàng Việt, những thương hiệu thời trang như Việt Thy, Foci, May Sài Gòn 2… buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất của mình.

Nếu trước đây, trung bình mỗi tháng Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 (quận Tân Bình, TPHCM) cho ra đời 70 - 80 mẫu sản phẩm mới thì nay chỉ còn gần một nửa. Sản xuất cho thị trường nội địa của công ty cũng giảm 20 - 25% so với năm ngoái và đến thời điểm này, May Sài Gòn 2 chấp nhận “buông” thị trường nội địa.

Trong khi để tồn tại, Foci buộc phải cắt giảm tất cả các khoản đầu tư mới, thu hẹp dần hệ thống cửa hàng và hiện DN đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục, xây dựng website để bán hàng qua mạng...

Kể từ khi Việt Nam là thành viên của các định chế kinh tế toàn cầu, như: WTO, APEC, ASEAN... hay đang quyết tâm gia nhập Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là sức ép rất lớn cho thị trường may mặc Việt Nam nói chung, các thương hiệu thời trang nội nói riêng vì thuế nhập khẩu cho sản phẩm may mặc sẽ giảm từ 20% xuống 0%.

Điều này đồng nghĩa với việc khó khăn của DN Việt sẽ tăng gấp nhiều lần, nỗi lo mất “sân nhà” cũng sẽ dần trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, sự xâm lấn mạnh mẽ của hàng nhập lậu với giá bán rẻ, mẫu mã phong phú, thậm chí làm nhái cả những sản phẩm có thương hiệu trong nước nhưng giá bán chỉ bằng một nửa... cũng khiến nhiều DN nội phải “giương cờ trắng” trong cuộc đua.

Không chỉ là chuyện thương hiệu

Mặc dù đang chồng chất khó khăn, nhưng hiện không ít DN dệt may đã lựa chọn thị trường ngách, tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu, xây dựng thương hiệu đang là giải pháp thực hiện để cạnh tranh trên sân nhà, như: Hoàng Tấn với áo thun 100% cotton; NEM với những thiết kế thanh lịch, sang trọng cho phái nữ; hay như loạt áo sơ mi cao cấp dành cho phái mạnh của May 10; An Phước với nhãn hàng Pierre Cardin, một trong những sản phẩm nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước sức ép hàng ngoại nhập, DN Việt Nam dường như vẫn có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hoá Việt Nam để thiết kế được sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng có lợi thế hơn khi các khâu thiết kế - sản xuất - tiêu thụ đều diễn ra trong nước và sẽ bắt kịp được - xu hướng thời trang hơn so với DN nước ngoài.

Đại diện một đơn vị may mặc cho rằng, hiện nay yếu tố khách hàng là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của thời trang Việt. Việc lựa chọn sản phẩm không chỉ vì giá mà còn cân nhắc kỹ lưỡng đến chất lượng.

Do đó, để trụ vững trước cơn sóng hàng ngoại nhập, các DN Việt nói chung cần tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế nắm bắt nhanh xu hướng thời trang, thắt chặt việc kiểm soát chất lượng và hệ thống phân phối thuận tiện cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các DN cần liên kết chuỗi để cung cấp đồng phục, bảo hộ theo hướng thiết kế mang bản sắc riêng. Mở rộng thêm hệ thống phân phối bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ lớn trong nước.

Cạnh tranh với những thương hiệu danh tiếng thế giới trên sân nhà là cả một quá trình gian nan, đầy thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để các thương hiệu thời trang Việt tự khẳng định mình.

Với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng trung bình 15 – 20%, Việt Nam đang là thị trường thời trang lớn, nhưng các thương hiệu Việt chỉ lo tập trung vào gia công xuất khẩu nên đã bị lép vế trước các thương hiệu ngoại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ