Thời tiết giao mùa: Bệnh đường hô hấp “nhòm ngó” trẻ thơ

GD&TĐ - Khí hậu nóng lạnh bất thường là môi trường cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ gia tăng. Nếu không biết cách phòng tránh và có phác đồ điều trị thích hợp sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ.  

Bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp gia tăng về mùa này
Bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp gia tăng về mùa này

Chú ý tới các triệu chứng

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, trẻ mắc từ 5 - 7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên nặng cộng với thể trạng yếu thường dẫn tới viêm phổi. Với những trường hợp như thế trẻ phải nhập viện và cần được điều trị tích cực. Đáng nói, nhiễm khuẩn hô hấp có tỉ lệ mắc và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em Việt Nam.

Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng. Ở mức độ bệnh nhẹ, người bệnh đều có thể tự khỏi. Cụ thể những trẻ khỏe mạnh, không may bị nhiễm đường hô hấp trên thì sau ba đến năm ngày, hoặc một tuần sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, thông thường trẻ vẫn phải điều trị các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, hay sốt cao. Trẻ tắc mũi cũng cần có cách để giảm xuất tiết ở mũi, làm sạch mũi… Cha mẹ cần phải nhớ trẻ có cơ thể khỏe mạnh có khả năng tự loại virus ra ngoài không cần phải uống kháng sinh. Song một số ít trường hợp bị biến chứng gây viêm phổi thì có thể rất nguy hiểm. Vì nếu viêm phổi nặng trẻ sẽ thiếu oxy. Chính vì vậy triệu chứng viêm phổi ở trẻ cần phải được phát hiện sớm.

Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng: “Trẻ viêm phổi có các triệu chứng thở nhanh, co rút lõm lồng ngực. Khi trẻ thở nhanh tức là trẻ bắt đầu bị viêm phổi và khi rút lõm lồng ngực là trẻ bị viêm phổi nặng. Nếu có thêm các dấu hiệu như bỏ ăn, bỏ bú, mắt lờ đờ, co giật, có nghĩa là trẻ bị viêm phổi rất nặng đã chuyển sang viêm phổi cấp. Những trường hợp này, trẻ lập tức phải được nhập viện, phải điều trị kháng sinh. Nếu khó thở quá phải cho trẻ thở bằng máy”.

“Khó khăn nhất trong quá trình điều trị viêm phổi là những trẻ bị kháng thuốc. Trước khi đến bệnh viện trẻ đã dùng thuốc kháng sinh không đúng theo chỉ định. Lời khuyên dành cho cha mẹ của trẻ đó là cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được dùng kháng sinh bừa bãi, cần phải cho trẻ đến các cơ sở y tế để chuẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời”.

PGS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai

PGS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, thuộc tuyến Trung ương nên Bệnh viện Bạch Mai nhận tất cả những trẻ bị viêm hô hấp nặng ở các nơi. Vì thế Khoa Nhi của bệnh viện lúc nào cũng có những ca viêm phổi rất nặng. Những ca này thường xảy ra ở những trẻ còn bú mẹ, dưới 1 tuổi. Đó thường là trẻ yếu do đẻ non hoặc trẻ có kèm những bệnh lý khác trước đó. Các trẻ này thường phải thở máy, cần phải điều trị thuốc kháng sinh cùng với các loại thuốc chữa trị bệnh mãn tính. Do vậy, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đều cần kê kết hợp các loại thuốc để giúp cho mạch huyết áp của trẻ ổn định.

Có thể gây biến chứng viêm phổi cấp

Ghi nhận tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những ngày thời tiết thay đổi từ hè sang thu, số trẻ đến khám và nhập viện tăng. Bệnh viêm đường hô hấp trên là do virus nên nếu sức đề kháng tốt trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị tại khoa cho biết: Một ngày Khoa Nhi của bệnh viện có tới ba, bốn chục bệnh nhân tới khám, trong đó có những trường hợp trẻ phải nhập viện với tình trạng bệnh lý nặng.

Người nhà của bệnh nhân nhi mới hơn hai chục ngày tuổi có địa chỉ ở phường Khương Thượng (Hà Nội) kể: Cháu nhập viện được gần một tuần trong tình trạng khó thở, nhiều đờm kèm theo ho, sốt và lười bú mẹ. Bác sĩ Phạm Công Khắc trực tiếp điều trị bệnh nhân này cho biết: Cháu bé đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, đã phải dùng kháng sinh. Cháu bị xuất tiết nhiều nên phải hỗ trợ máy thở oxy qua mũi. Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhân có tiến triển, tình trạng sức khỏe được cải thiện. Tuy nhiên, trẻ vẫn trong tình trạng phải theo dõi và hỗ trợ về hô hấp. Đối với những trường hợp như thế này đòi hỏi các bác sĩ phải theo dõi sát sao.

Một bệnh nhân nhi khác quê ở Duy Tiên (Hà Nam) 8 tháng tuổi chỉ nặng 4,6 kg, sinh non ở tuần thứ 32 nên suy dinh dưỡng cũng trong tình trạng viêm phổi cấp. Cháu đã ở khoa cấp cứu được hai chục ngày. Trước đó, cháu cũng đã điều trị tại một số bệnh viện khác. Bác sĩ điều trị cũng cho biết, bệnh nhân này thể trạng không tốt, nên khi bị viêm phổi mặc dù được điều trị tích cực nhưng tiến triển chậm.

Bệnh nhân viêm đường hô hấp trên có triệu chứng nhẹ hơn khi đến bệnh viện đều được các bác sĩ thăm khám, tư vấn về phác đồ điều trị. Các bệnh nhân nhẹ thường được hướng dẫn điều trị ngoại trú. Các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo, bệnh viêm đường hô hấp là một bệnh lây lan nên để giảm tình trạng nhiễm bệnh, biện pháp dự phòng phải đặt lên hàng đầu. Cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tránh những tác nhân có hại như khí độc, bụi, khí nóng… Hàng ngày, phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh nằm điều hòa ở nhiệt độ thấp chênh lệch với thời tiết bên ngoài. Hạn chế đưa trẻ tới nơi quá đông người có nhiều mầm bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.