Thời tiết cực đoan trên thế giới: Chỗ cực nóng, nơi siêu lạnh!

GD&TĐ - Các thành phố Mỹ hiện đang lạnh như Bắc cực, Australia nóng như chảo lửa và Anh bị bao phủ bởi tuyết.  

Băng bao phủ hồ Michigan (Mỹ) ngày 30/1 vừa qua
Băng bao phủ hồ Michigan (Mỹ) ngày 30/1 vừa qua

Mỹ và châu Âu tê liệt vì lạnh

Chúng ta mới ở tháng đầu tiên của năm 2019 và các nhà khí tượng đã nói về các hình thái thời tiết cực đoan vốn đang khiến nhiều thành phố trên khắp thế giới khốn đốn.

Tại Mỹ trong tuần này, khoảng 200 triệu người đã trải qua một đợt lạnh sâu lịch sử khiến nhiệt độ xuống dưới âm 32 độ C, làm ít nhất 17 người chết và 2.300 chuyến bay bị hủy.

Hôm 31/1, nhiệt độ tại 11 bang thuộc lục địa Mỹ thấp hơn nhiệt độ ghi nhận ở Utqiagvik – thành phố cực bắc của Alaska nằm ở phía bắc của Vòng Bắc cực.

Các nhà chức trách tại một số thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất như Minneapolis và Chicago đã cảnh báo người dân ở trong nhà để ngăn ngừa chứng bỏng lạnh. Tại một bệnh viện ở Chicago, bác sĩ đã điều trị 50 bệnh nhân bị bỏng lạnh, trong đó một số người có thể phải cưa một tay hoặc một chân.

Phía bên kia, nước Anh cũng chứng kiến nhiệt độ thấp kỷ lục vào tuần này khi thời tiết băng giá tấn công nhiều nơi ở nước Anh, Scotland và xứ Wales.

Hôm 31/1, cư dân ở Breamar phía đông bắc Scotland trải qua nhiệt độ âm 14,4 độ C, thấp nhất ở Vương quốc Anh kể từ 2012.

Tuyết rơi nặng hạt đã cản trở đường đi của mọi người. Một số chuyến bay ở sân bay Heathrow, Anh bị hủy, hành khách bị mắc kẹt trên đường băng phủ tuyết tại các sân bay Manchester và Liverpool vào đầu tuần này.

Hàng trăm trường học trên khắp nước Anh và xứ Wales đã đóng cửa hôm qua.

Ở phía tây nam Cornwall, hơn 100 lái xe đã bỏ lại xe hơi của mình trên các đường cao tốc phủ tuyết và đi bộ tới một quán để ngủ qua đêm.

Nhiều nơi ở Pháp cũng chịu cảnh tuyết rơi dày đặc – cơ quan khí tượng quốc gia Pháp cho biết.

Chảo lửa Australia

Động vật ở Australia chết vì nóng
 Động vật ở Australia chết vì nóng

Trong khi Mỹ và châu Âu đang tê cóng thì cơ quan khí tượng Australia tuyên bố nước này đang trải qua tháng 1 nóng kỷ lục.

Đợt nóng “chưa có tiền lệ” này đã làm tan chảy nhiều con đường và khiến hàng ngàn con vật bị chết.

Tại phía bắc Australia, thi thể của hàng chục con ngựa hoang nằm dọc theo một vũng nước khô cạn. Ở Victoria, hơn 2.000 con cáo chết vì nóng trong một sự kiện mà truyền thông địa phương gọi là “ác mộng”.

Không khí nóng và khô gây ra cháy rừng
 Không khí nóng và khô gây ra cháy rừng

Ở bang Tasmania phía nam, hàng chục vụ cháy rừng đã xảy ra, phía hủy những ngôi nhà.. hàng trăm lính cứu hỏa phải tìm cách kiểm soát ngọn lửa.

Ngày 24/1, cư dân thành phố Adelaide trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử thành phố khi nhiệt độ lên mức đỉnh điểm là 46,6 độ C.

Khắp cả nước, những cảnh báo về y tế được đưa ra, khuyên mọi người ở trong nhà vào thời gian nóng nhất trong ngày, giảm thiểu hoạt động và giữ nước cho cơ thể.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không có hành động phối hợp về biến đổi khí hậu, những đợt nóng này còn tiếp diễn.

“Chúng ta có thể cố gắng giảm thiểu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải carbon – đó thực sự là điều tốt nhất để làm – nhưng rõ ràng việc này đòi hỏi phải có hành động toàn cầu” – Ben Webber – giảng viên khoa học khí hậu tại Đại học East Anglia của Anh nói.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ