Ngày 24/9, tàu vũ trụ Mangalyaan của Ấn Độ đã bay vào quỹ đạo sao Hỏa, đánh dấu sự thành công rực rỡ của ngành nghiên cứu không gian nước này. |
Sáng 24/9, khi con tàu chở vệ tinh thăm dò Mangalyaan lao tới gần sao Hỏa với tốc độ chóng mặt thì tại trung tâm kiểm soát chuyến bay ở thành phố Bangalore, các nhà khoa học Ấn Độ nín thở chờ đợi... Những tiếng reo đầu tiên vang lên vào thời điểm Mangalyaan khai hỏa thành công động cơ hãm tốc sử dụng nhiên liệu lỏng. Tiếp đó là 20 phút im lặng, khi Mangalyaan biến mất phía sau sao Hỏa, cắt đứt liên lạc với Trái đất. Tiếng hò reo vang dậy trở lại khi Mangalyaan phát tín hiệu báo rằng nó đã đi vào quỹ đạo ổn định của hành tinh Đỏ, đánh dấu việc Ấn Độ lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh tới sao Hỏa. Theo dõi hành trình của Mangalyaan từ trung tâm kiểm soát, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi đất nước ông vừa tạo nên kỳ tích khi làm được điều "gần như không thể". Như vậy, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã trở thành tổ chức thứ tư phóng thành công vệ tinh tới sao Hỏa, sau Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Nga và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Ấn tượng hơn nữa, Ấn Độ là quốc gia thành công ngay trong lần thử đầu tiên, điều mà những cường quốc không gian như Mỹ, Nga hay Trung Quốc, Nhật Bản chưa từng làm được. Rẻ hơn phim bom tấn Thêm một điều mà Ấn Độ khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục là Mangalyaan có mức chi phí vô cùng "khiêm tốn" - 4,5 tỷ Rupee (khoảng 74 triệu USD), ít hơn rất nhiều so với con số 671 triệu USD mà NASA chi cho việc phóng vệ tinh Maven tới nghiên cứu khí quyển trên sao Hỏa. Tính ra ISRO chỉ chi 0,11 USD cho mỗi km mà Mangalyaan bay qua để tới sao Hỏa, rẻ hơn một nửa so với giá một tách trà ở Mumbai. Trong chuyến thăm sân bay vũ trụ của Ấn Độ vào ngày 30/6, Thủ tướng Narendra Modi đã so sánh kinh phí của bộ phim bom tấn về đề tài không gian Gravity của Hollywood “tốn kém hơn nhiệm vụ tới sao Hỏa của chúng ta. Đây quả là một thành tựu vĩ đại". Trước khi ISRO phóng Mangalyaan vào không gian, dự án gặp không ít chỉ trích từ dư luận. 74 triệu USD là số tiền không nhỏ với một quốc gia đang phát triển và đông dân như Ấn Độ. Nhiều người cho rằng, Ấn Độ vẫn là một nước nghèo với rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Không nên thực hiện một dự án tốn kém như Mangalyaan. Thậm chí, cựu Chủ tịch ISRO Madhavan Nair còn cho rằng kế hoạch sao Hỏa của Ấn Độ là "sự lãng phí mang tầm quốc gia". Khoản đầu tư sinh lời Trái với những băn khoăn và lo ngại đó, tờ Fox News dẫn lời một số chuyên gia nước ngoài đánh giá, dự án Mangalyaan là một khoản đầu tư sáng suốt và chắc chắn sẽ sinh lời lớn cho Ấn Độ khi quốc gia này nhận được những hợp đồng béo bở ký kết với các nhà thầu châu Âu và Mỹ. "Thời gian tới, các công ty châu Âu và Mỹ chắc chắn sẽ ngỏ lời với Ấn Độ bởi ISRO đã cho thấy họ có thể phóng vệ tinh vào không gian vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm", Chris Carberry, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu sao Hỏa nhận định. Vào tháng 7, Ấn Độ đã đưa thành công năm vệ tinh nước ngoài lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tự sản xuất trong nước, ghi thêm dấu mốc mới trong công nghệ không gian của nước này. Thời gian qua, nhiều công ty Mỹ và châu Âu đã mua các thiết bị không gian từ Ấn Độ để phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Chuyên gia không gian Roger Franzen của Đại học Quốc gia Australia cho rằng, những thành công liên tiếp của Ấn Độ trong ngành công nghiệp vũ trụ đã cho thế giới thấy một quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể thực hiện giấc mơ chinh phục vũ trụ. "Với sự đầu tư nghiêm túc và mạnh mẽ từ chính phủ, ngành công nghiệp không gian của Ấn Độ sẽ có những bước phát triển vượt bậc và trở thành nhà cung cấp những thiết bị không gian hàng đầu thế giới. Ấn Độ đang chứng tỏ mình là một nhà cung cấp và một đối tác tiềm năng trong các dự án chinh phục không gian và mặt trăng" - Ông Franzen nhận định. Báo cáo mới đây của Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng khẳng định, thành công của dự án Mangalyaan sẽ thúc đẩy Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào nghiên cứu và đổi mới trong ngành công nghiệp không gian vì ngành công nghiệp này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và khoa học to lớn.