Xin đừng bỏ rơi phụ nữ sau sinh

GD&TĐ - Sinh con là mong muốn, là điều tất yếu của các cặp vợ chồng. Nhưng khi làm mẹ mới hiểu nuôi con vất vả, áp lực đến nhường nào. Hy vọng để rồi thất vọng là cảm giác hầu hết phụ nữ sau sinh đều trải qua. 

Xin đừng bỏ rơi phụ nữ sau sinh

Những ai may mắn có người thân, chồng thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ sẽ dễ dàng vượt qua cú sốc sau sinh này. Nếu không, chị em dễ rơi vào trạng thái chán nản, bế tắc, trầm cảm… với những hậu quả khó lường.

Hành trình cô đơn

Các cụ ngày xưa chỉ nói đến những khó khăn trong quá trình chửa, đẻ của phụ nữ. Nhưng ngày nay, sau khi “mồ côi một mình” sinh ra đứa con khỏe mạnh, dường như mọi khó khăn, thách thức mới thực sự bắt đầu.

Dù con gái đã 5 tuổi nhưng chị Nguyễn Thu Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) chưa dám nghĩ đến việc sinh đứa tiếp theo. Chị Giang cho biết: Cứ nghĩ đến những gì trải qua sau khi sinh mình sợ rợn cả tóc gáy. Nguyên nhân do trước đó, hai vợ chồng luôn nghĩ khi con ra đời cuộc sống sẽ hạnh phúc, vui vẻ. Viễn cảnh chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con được tô vẽ màu hồng nhưng ngay khi đón bé từ bệnh viện về, cuộc chiến mới thực sự bắt đầu. Do gia đình nội ngoại đều ở xa, sinh con gần Tết nên không thuê được người giúp việc, hai vợ chồng tự xoay xở. Kết quả hai vợ chồng lúc nào cũng trong tình trạng đầu bù tóc rối, nhà cửa ngổn ngang đồ đạc. “Kinh khủng nhất là từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, con thì khóc ngằn ngặt, bố mẹ bơ phờ, cáu gắt lẫn nhau. Hai vợ chồng mình gọi đây là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tinh thần”, chị Giang chia sẻ.

“Sốc” sau sinh con là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình. Có những chị em dễ dàng vượt qua nhưng cũng có người lại không tìm được lối thoát. Chán nản, mệt mỏi kéo dài khiến họ không tìm được niềm vui từ đứa con, thậm chí có người còn ghét con. Nhẹ thì bỏ bê, không chăm sóc, nặng thì đánh, mắng, giết con. Vụ án người mẹ giết con mới hơn tháng tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) vừa qua như cơn chấn động, khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Đây không phải lần đầu tiên ghi nhận mẹ giết con bởi vụ việc như trên hầu như năm nào cũng có. Nhưng nó khiến dư luận rúng động bởi nguồn cơn việc làm trên từ căn bệnh trầm cảm sau sinh. Dạo một vòng trên diễn đàn sẽ thấy, phần lớn cộng đồng cảm thông với người mẹ đã bị căn bệnh trên quật ngã.

Xin đừng bỏ rơi

Với nhiều người, trầm cảm sau sinh là khái niệm xa vời bởi họ cho rằng phụ nữ sau sinh chỉ việc nghỉ ngơi, chăm con… có gì mà áp lực với căng thẳng. Nhưng đọc những bình luận, chia sẻ của mọi người sau vụ việc ở Thạch Thất mới thấy có biết bao nhiêu phụ nữ đã lên tiếng thừa nhận chính tình trạng trầm cảm sau sinh của mình.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, 80% phụ nữ sau sinh phải đối mặt với tình trạng thay đổi cảm xúc và 1 trong 5 người mẹ trẻ đối diện với trầm cảm sau sinh. Điều này có nghĩa là nếu không phải bạn đối mặt với nó thì có thể là bạn bè bạn, chị gái - em gái bạn. Nói vậy để thấy rằng trầm cảm sau sinh không còn là một khái niệm xa lạ, một tình trạng hiếm gặp hay sự áp lực của cơm áo gạo tiền - nó là một căn bệnh, một hiểm họa có thật và rất gần chúng ta, một con quái vật xuất hiện cùng lúc với niềm hạnh phúc khi chào đón đứa trẻ ra đời.

Trầm cảm khiến cho chị em bị giằng xé giữa hạnh phúc làm mẹ với những tuyệt vọng đang xâm chiếm tâm trí mình. Do không kiểm soát được cảm xúc nên họ thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trước trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy. Rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ có thể đi kèm.

Những rối loạn cảm xúc ấy cứ tăng dần lên nếu không được can thiệp kịp thời, các triệu chứng dễ chuyển nặng, thậm chí xuất hiện ám ảnh về cái chết hay nảy ra ý tưởng tấn công em bé mới chào đời, tự tử. Do vậy, bác sĩ sản khoa Trần Kim Phượng cho rằng, mọi người cần thay đổi quan niệm bởi sản phụ không chỉ cần ăn, cần ngủ mà hơn hết họ cần được quan tâm, chia sẻ trong việc chăm sóc trẻ, hỗ trợ tinh thần từ phía người thân, để họ có thể nói ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình…

- Cả nước hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

- Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới gấp 2 lần. Sự thay đổi hormone ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, sảy thai hay mãn kinh đều có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.