Xây dựng nông thôn mới góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Ngày 12/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 – 2020. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An chủ trì hội nghị.  

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến về giải pháp, kiến nghị  trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lĩnh vực GD&ĐT.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến về giải pháp, kiến nghị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lĩnh vực GD&ĐT.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngành GD&ĐT được phân công thực hiện các tiêu chí:

Đối với đơn vị cấp xã: Tiêu chí số 5 về Tỷ lệ trường học các cấp gồm mầm non, mẫu giáo, tiểu học,THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; Tiêu chí số 14 gồm chỉ tiêu về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học gồm Phổ thông, bổ túc, trung cấp.

Ngoài ra, đối với đơn vị cấp huyện thì có thêm tiêu chí số 5 về tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết: “Tiêu chí số 14 thuộc lĩnh vực chuyên môn của Bộ GD&ĐT, vì vậy viêc chỉ đạo và lồng ghép với các chương trình công tác của Bộ GD&ĐT là tốt;

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dụcTHCS và phổ cập giáo dục xóa mù chữ không những đạt được kết quả tốt mà còn được duy trì bền vững ở hầu hết các địa phương". 

Thứ trưởng Lê Hải An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 Thứ trưởng Lê Hải An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đối với tiêu chí 5, cùng với quá trình xây dựng Nông thôn mới, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây mới; cải tạo nâng cấp, sửa chữa; mua sắm bổ sung, thay thế góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở.

Tỷ lệ các xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 chung của cả nước là 52,44% (tăng 39,98% so với năm 2010 và 23,7% so với năm 2015), trong đó: Giáo dục mầm non (GDMN) là 59,45%; giáo dục tiểu học (GDTH) là 68,81%; giáo dục trung học cơ sở (GDTHCS) là 61,46%.

Đầu tư cho GD&ĐT luôn được coi là một ưu tiên trong phát triển của các địa phương, thường chỉ đứng sau mục tiêu về cơ sở hạ tầng kinh tế như đường giao thông, điện, nước… Tính đến 6/2019, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện Chương trình trong cả giai đoạn 2011-2019 khoảng 462.791,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giai đoạn 2011-2015 (chiếm 66,31%).

Phải tránh tình trạng nợ chuẩn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT thì: “Với mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  là đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tuy nhiên đến nay mục tiêu này chưa đạt được.

Khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng xây dựng nông thôn mới có 2 vấn đề là “diện” (mục tiêu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5) và “điểm” (mục tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới); tuy nhiên, hầu hết các địa phương mới chỉ ưu tiên chỉ đạo “điểm” vì vậy mục tiêu “diện” là không đạt.

Việc đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của cả nước và 7 vùng đều chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra”.

Xây dựng nông thôn mới góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 2

Có 41 tập thể và 80 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.

Bên cạnh những mặt đạt được cũng như các giải pháp trong quá trình xây dựng nông thông mới lĩnh vực GD&ĐT, các đại biểu đến từ các địa phương cũng nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Giang cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác Phổ cập giáo dục, huy động trẻ đến lớp, dạy học, thậm chí cả xây dựng co sở vật chất trường lớp.

Rất nhiều địa phương có ý kiến về việc nguồn lực dành cho chương trình không có tính cam kết cao, mà tùy thuộc khả năng cân đối của ngân sách địa phương và khả năng huy động nguồn xã hội hoá, dẫn đến mức độ hoàn thành các tiêu chí trước hết phụ thuộc vào khả năng huy động và khai thác nguồn lực của từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải Anh cho rằng, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục phải xác định việc thực hiện tốt nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cũng chính là chuẩn bị tốt các điều kiện (đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học) để triển khai thực hiện đổi mới Chương trình GDPT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lê Hải An, để thực hiện tốt Chương trình giai đoạn sau năm 2020, cần khắc phục tình trạng thẩm định, đề nghị công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới ở một số địa phương (đối với tiêu chí giáo dục) trong thời gian qua; tuyệt đối tránh hình thức, bệnh thành tích và tình trạng nợ chuẩn khi xem xét đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương.

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 100% các tỉnh/thành phố, 100% đơn vị cấp huyện, 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đối với Phổ cập giáo dục tiểu học: Tổng số trẻ 6 tuổi huy động được vào lớp 1 đạt trên 99%. lệ người biết chữ tăng nhanh, nhiều địa phương đã đạt chỉ tiêu XMC; Chất lượng Phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo (DTTS, MN) được củng cố vững chắc nhờ có sự ra đời và phát triển nhanh, mạnh của hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ