Xây dựng đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 sẽ như một quốc gia số thu nhỏ, mọi hoạt động đều được chuyển đến môi trường số và đạt trình độ các nước Asean – 4.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại hội thảo
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại hội thảo

Đây là nội dung quan trọng tại Hội thảo “Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp”. Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày  24/12/2020, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo là các chuyên gia của Bộ Thông tin – Truyền thông; thành viên Tổ xây dựng Đề án chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp. Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; Các nhà quản lý, Hiệu trưởng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết:

Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo nhiều góc độ khác nhau. Tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn.

Thay đổi phương thức đào tạo của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ phát sinh nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp phải được thực hiện nhanh chóng, chắc chắn, có tính hệ thống và kế thừa.

Theo dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp như một quốc gia thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ các nước Asean – 4.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Khoảng 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.

Hội thảo là tiền đề để hoàn thiện khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, từ đó xây dựng đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để trình chính phủ ban hành trong năm 2021. 

“Thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2020, trong đó giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số và phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động.” – Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.