Việt Nam - Hoa Kỳ: Chặng đường hàn gắn chiến tranh

GD&TĐ - Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam phối hợp với Viện Hòa bình Hoa Kỳ vừa tổ chức hội thảo cấp cao tại thủ đô Washington D.C. để thảo luận về chặng đường chuyển đổi từ hai nước thù địch trở thành đối tác thông qua hợp tác về các vấn đề nhân đạo.

Việt Nam - Hoa Kỳ: Chặng đường hàn gắn chiến tranh

Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” có sự tham dự của lãnh đạo và chuyên gia hai nước để đánh giá những nỗ lực hợp tác này và bài học đúc rút từ quá trình xây dựng một quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ vững mạnh.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 - và Chủ tịch Viện Hòa bình Hoa Kỳ Nancy Lindborg đồng chủ trì hội thảo. Các đại biểu đáng chú ý khác tại hội thảo gồm có Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Sullivan và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.

Khởi đầu từ những nỗ lực nhằm kiểm kê đầy đủ nhất có thể người Mỹ mất tích trong chiến tranh, hợp tác giữa hai nước từng đối lập đã mở rộng sang lĩnh vực tìm kiếm và tháo dỡ bom mìn chưa nổ, xử lý dioxin và hỗ trợ người khuyết tật bất kể nguyên nhân. Dựa trên những nền tảng này, Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng một Quan hệ Đối tác Toàn diện bao trùm mọi lĩnh vực trong quan hệ giữa hai nước, từ quốc phòng và y tế tới thương mại và giao lưu nhân dân.

Được biết kể từ năm 1988, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức 134 đợt hoạt động hiện trường hỗn hợp (JFA) tại Việt Nam nhằm kiểm kê đầy đủ nhất có thể các quân nhân Hoa Kỳ đã mất tích trong chiến tranh. 3 thập kỷ triển khai liên tục các hoạt động đã ghi nhận mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. Hiện có 1.246 người Mỹ chưa được kiểm kê và 1.591 quân nhân Hoa Kỳ vẫn trong diện mất tích từ chiến tranh Việt Nam.

Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu các vật liệu nổ từ thời chiến tranh. Kể từ năm 1993, Hoa Kỳ đã đóng góp trên 105 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm dọn sạch bom mìn chưa nổ, tập huấn và cung cấp các nguồn lực cho nhóm rà phá bom mìn của Việt Nam, hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về rủi ro bom mìn và vật liệu chưa nổ tại những khu vực có nguy cơ cao.

Năm 2019, Hoa Kỳ dự kiến sẽ cung cấp ít nhất 12,5 triệu USD và trông đợi tiêp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam cũng như với các đối tác tại các tỉnh và quốc tế, trong nỗ lực giúp Việt Nam thoát khỏi tại họa do bom mìn.  

Tỉnh Quảng Trị, nơi tập trung hầu hết các nỗ lực này, đang đi đúng lộ trình để có thể công bố “không còn bị tác động” vào năm 2025 và sẽ là tỉnh đầu tiên trên cả nước đạt mục tiêu này.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…