Trường đúng hay cơ quan chủ quản đúng?

GD&TĐ - Đỉnh điểm của việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) là vào chiều 9/6, khi cho rằng TLĐLĐVN có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ đại học, trái với các quy định hiện hành. Động thái này được đưa ra sau 3 ngày TLĐLĐVN có văn bản xin ý kiến Bộ GD&ĐT về nhiều vấn đề, trong đó đề cập một số nội dung về Trường TDTU, trước thềm Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1/7).

Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Những lùm xùm từ 2 bên

Việc cán bộ, giảng viên Trường TDTU gửi đơn phản đối TLĐLĐVN buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế chỉ là giọt nước tràn ly. Bản chất của những bất ổn này là hai bên chưa thống nhất với nhau về nhiều việc. Trong đó có lẽ lớn nhất là việc Trường TDTU phản ứng việc cơ quan chủ quản của đơn vị này đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ ĐH của nhà trường và trái với quy định hiện hành, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định.

  • “Lúc nào luật có hiệu lực mới thay thế luật cũ, nên chỉ đạo tại công văn 665 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không sai”.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Ngay sau khi Trường TDTU có những ý kiến phản đối nêu trên, TLĐLĐVN cũng lập tức hồi đáp bằng công văn đề nghị Bộ GD&ĐT xác định việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường có hay không thực hiện theo quy định của Đảng và TLĐLĐVN; cũng như khái niệm “quyền đại diện của chủ sở hữu” nên được hiểu thế nào. Cơ quan quản lý có thẩm quyền đối với trường hợp Trường TDTU là cơ quan nào, hay chính là TLĐLĐVN. Trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, có định danh rõ cơ quan quản lý là TLĐLĐVN được không?

  • “Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ là đơn vị tiếp nhận do Chính phủ chuyển Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ UBND TPHCM về nên không thể yêu cầu thu tiền”.

Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng -Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trước những ý kiến của TLĐLĐVN, Trường TDTU cho rằng, những quan điểm này đa số không còn phù hợp với quy định hiện hành khi căn cứ theo Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014 (chỉ còn giá trị đến ngày 30/6). Như công tác tổ chức, TLĐLĐVN đã nhầm lẫn khi yêu cầu trường phải theo các quy định của TLĐLĐVN về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp... Bởi theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), hiệu trưởng đại học do Hội đồng trường bầu, cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận.

Phân giải đúng – sai?

Trả lời truyền thông tối 9/6 về việc trích nộp 30%, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, khẳng định không hề có chuyện yêu cầu hoặc có một văn bản nào buộc Trường TDTU phải trích 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường cho TLĐLĐVN. Đây là sự nhầm lẫn kiến nghị của đoàn kiểm tra với quyết định của TLĐLĐVN. Ông Phan Văn Anh cũng cho biết từ sau khi trường chuyển về trực thuộc TLĐLĐVN, trường đã được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, phân cấp triệt để, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trường cũng được nhiều hỗ trợ về cấp đất cũng như tài sản trên đất ở 2 cơ sở ban đầu là 198 Ngô Tất Tố và cơ sở tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM; cũng như hỗ trợ kinh phí cho hoạt động.

Theo lãnh đạo Trường TDTU, phần lớn nội dung mà TLĐLĐVN chỉ đạo không còn phù hợp với quy định hiện hành khi căn cứ theo Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014 (chỉ còn giá trị đến ngày 30/6). Theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Hiệu trưởng đại học do Hội đồng trường bầu, cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận. Các thành viên Hội đồng trường, Ban giám hiệu không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn. Do đó việc bầu hoặc bổ nhiệm không thể áp dụng các quy định của TLĐLĐVN. 

Trước những phát biểu của TLĐLĐVN, đại diện Trường TDTU lại cho rằng một số thông tin do ông Phan Văn Anh đưa ra hoàn toàn không chính xác. Lý giải của trường này với cơ sở Bình Thạnh - TPHCM có diện tích 2.800 m2 là được trường mua lại của Công ty Dệt may Gia Định vào cuối năm 1999 (thời điểm này trường còn là Trường ĐH Dân lập Công nghệ Tôn Đức Thắng) bằng vốn vay; cơ sở Q.7 - TPHCM với diện tích 90.725m2 đã được UBND TPHCM giao theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 2/4/2008, (lúc này TDTU đang là Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TPHCM, đến ngày 11/6/2008 TDTU mới được Thủ tướng Chính phủ chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc TLĐLĐVN theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường bán công).

Một đằng là trường đại học trực thuộc, một bên là cơ quan chủ quản cấp bộ, hai bên đang đưa ra những cáo buộc phần đúng về mình, phần sai về bên kia. Xem ra những lùm xùm giữa Trường TDTU và cơ quan chủ quản là TLĐLĐVN chưa có hồi kết. Bên nào cũng đưa ra lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình, sẽ cần có những căn cứ để đánh giá mức độ đúng sai. Phản ứng về vấn đề tài chính chỉ là một nguyên cớ trong một chuỗi mâu thuẫn giữa 2 bên, từ việc ai có quyền quyết định người làm Chủ tịch Hội đồng trường cũng như thẩm quyền bầu Hiệu trưởng.

Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu.

Tháng 9/2017, trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập công bố, đại học này đứng thứ hai, xếp trên hàng loạt đại học tên tuổi, có điểm chuẩn đầu vào rất cao như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội, Ngoại thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ