Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách

Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam.

Diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2020), Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tại nhiều điểm cầu tỉnh, thành phố. 

 BHXH đóng vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

Quỹ BHXH hiện là quỹ an sinh lớn nhất của nước ta. Toàn ngành BHXH có gần 21.000 công chức, viên chức, phục vụ gần 16 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số).

Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng. Thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng. Thu BHYT đạt khoảng 105.000 tỷ đồng. Số nợ BHXH năm 2019 giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.

Theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình đất nước và thông lệ quốc tế. Mô hình tổ chức được cải cách, tinh gọn bộ máy. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra. Với một số quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm. 

Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng. BHXH Việt Nam đã cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục). Đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh.

“Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội”, Thủ tướng nói.   

Với chưa đến 1/3 số người lao động tham gia BHXH hiện nay thì đích đến còn xa, do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025.

Phải là mô hình đi đầu về cải cách hoạt động

Thủ tướng đề nghị BHXH, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH.

Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả. Từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế. Tôn trọng nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Xây dựng bộ máy tinh gọn chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông trong thực thi chính sách. 

BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân. Không ngừng củng cố niềm tin của người lao động.

5 nhóm giải pháp

Để đáp ứng những yêu cầu phát triển nêu trên, Thủ tướng gợi mở 5 nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH.

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung. Có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia. 

Đội ngũ 21 nghìn cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành phải tăng cường kỷ luật, thay đổi tác phong, lề lối làm việc. Xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp. 

Cần nâng cao hiệu lực quản lý trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường công tác quản lý BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT thống nhất, tiện lợi cho người dân.

Thủ tướng đề nghị phải tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.