Thách thức với ngành dệt may

GD&TĐ - Chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) dệt may lại gặp nhiều khó khăn như năm nay - chỉ tăng trưởng chưa đầy 6% trong 6 tháng đầu năm 2016. 

Thách thức với ngành dệt may

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may xuất khẩu trong nhiều năm qua và chỉ mới đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu. Các chuyên gia cho rằng, những tháng cuối năm, các DN cũng chưa nhìn thấy “tia sáng” nào khi bao quanh họ chỉ toàn những khó khăn.

Nhiều thách thức

Sản xuất thì cầm chừng, đơn hàng thiếu không ít DN phải cho công nhân nghỉ là thực tế đang diễn ra trong ngành được cho là mũi nhọn của xuất khẩu Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của dệt may Việt Nam ước đạt 12,8 tỷ USD, chỉ tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), đây là mức tăng trưởng XK thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 đến nay. Không chỉ vậy, XK sang các thị trường chủ lực cũng giảm đáng kể. Cụ thể, ngay tại thị trường Mỹ là thị trường truyền thống và Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao, cũng chỉ tăng khoảng 5,9% (chưa bằng 1/2 năm 2015 tăng 13%), EU tăng 5,7%, Nhật Bản tăng 3,03%. Điều này thực sự cho thấy tín hiệu về năng lực cạnh tranh quốc gia có biểu hiện suy giảm.

Có một thực tế là các đối thủ cạnh tranh với XK dệt may trước kia có mức tăng trưởng khá tốt nhưng hiện tại cũng bị chững lại. Nước có mức suy giảm lớn nhất về XK dệt may là Trung Quốc, trong đó tổng XK dệt may giảm 5% tại thị trường Mỹ, 10% tại thị trường EU và 6% tại thị trường Nhật Bản. Ấn Độ không có sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ, tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng âm.

Đây là 2 quốc gia có kim ngạch XK dệt may lớn nhất thế giới nhưng đều suy giảm về tăng trưởng. Tuy nhiên, nhờ có sự suy giảm của các quốc gia này mà các nước XK dệt may có quy mô nhỏ hơn như Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Campuchia vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng nhất định, dù không cao.

Không chỉ khó khăn về thị trường XK, DN dệt may còn phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường trong nước. Theo ông Giang, hiện các DN dệt may đang chịu áp lực rất lớn từ lãi suất vay đến chi phí vận tải, kể cả những chi phí không chính thức. Đặc biệt, những năm gần đây, chi phí vận tải trên đường, phí đường, cảng lớn hơn cả chi phí xăng dầu. Đây cũng là những yếu tố làm năng lực cạnh tranh của các DN yếu đi…

Tháo gỡ khó khăn

Để tăng XK cũng như thu hút đơn hàng, đồng thời để tận dụng được một số lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các DN dệt may sẽ phải tập trung vào rất nhiều khâu; trong đó, khâu đột phá là làm thế nào để tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ từ xơ sợi trở đi phù hợp quy định của TPP và từ vải trở đi theo quy định của FTA Việt Nam – EU.

Để làm được việc này, các DN cần phải liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu, cơ cấu lại ngành dệt may. Các DN dệt may cũng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và hạn chế việc XK qua khâu trung gian.

Đặc biệt mới đây, để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may, VITAS đã kiến nghị Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ năm 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng như kiểm tra hàm lượng formaldehyt (các công đoạn kiểm dịch không cần thiết đối với các lô hàng nhập khẩu vải để làm mẫu có trị giá thấp, số lượng ít).

Như vậy, khó khăn đối với ngành dệt may đã lộ rõ. Những khó khăn này sẽ tác động trực tiếp đến DN dệt may trong ngắn hạn, trước mắt là khó hoàn thành mục tiêu 31 tỷ USD. Trong trung và dài hạn, chỉ còn một thời gian nữa, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết sẽ có hiệu lực, nếu các biện pháp căn cơ cho ngành dệt may không được đưa ra thì Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và trên thế giới.

6 tháng, XK của ngành dệt may Việt Nam mới đạt gần 12,8 tỷ USD, chỉ tăng 5,8% so cùng kỳ. Theo các DN, hiện các đơn hàng XK mà đối tác đặt hàng có xu hướng không tăng, kèm theo đó là giảm giá XK, trong khi chi phí sản xuất (giá nhân công, điện nước, phí vận chuyển, bảo hiểm…) tăng cao, khiến các DN đã gặp khó nay lại càng thêm khó khăn, đặc biệt là trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Tình trạng này càng diễn ra nghiêm trọng hơn đối với các DN nhỏ và vừa khi phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanmar hay Ấn Độ và Bangladesh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ