Tạo cơ hội để mọi người được học thường xuyên, học suốt đời

GD&TĐ - Ngày 16/4, tại Bộ GD&ĐT, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên (GDTX) thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên thứ nhất tư vấn về “Những chính sách GDTX cần được khẳng định trong Luật Giáo dục sửa đổi”. GS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban GDTX học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia GDPTNL chủ trì phiên họp.

GS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp
GS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, GS Phạm Tất Dong cho biết: Đã đến lúc GDTX phải được nhìn nhận như một chính sách GD quốc gia - chính sách về GD suốt đời cho người lớn, yêu cầu người lớn học tập suốt đời, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ, cương vị xã hội, giới tính, thành phần dân tộc.

Với cách hiểu này, việc hoạch định chính sách xây dựng và phát triển GDTX cần quán triệt các nguyên tắc: Mọi công dân trong xã hội đều phải học tập suốt đời, coi việc học tập là quyền lợi chính đáng nhất và cũng là nghĩa vụ lớn lao của công dân. Vì vậy Luật “GD suốt đời” trước sau cũng phải đặt ra trước Quốc hội.

GDTX bao hàm việc học tập suốt đời nên nó mang tính mở, nghĩa là chính sách GDTX phải hướng tới việc tháo gỡ, gạt bỏ mọi rào cản về tài chính, thể chế, luật định trong việc tạo cơ hội và điều kiện để công dân học tập suốt đời.

Học tập suốt đời là quá trình phát huy mọi năng lực ở từng con người, ở cộng đồng. Vì vậy, cần phải có trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng được mô hình thành phố học tập và công dân học tập.

Ban hành luật GD suốt đời là vấn đề cấp thiết

Trao đổi tại phiên họp, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết: Luật Giáo dục cho đến nay vẫn là một luật khung tương đối cụ thể. Nhìn ở góc độ đó, việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về GDTX trong Luật Giáo dục sửa đổi, đặc biệt việc chỉnh sửa Điều 43, 44 và bổ sung điều 55 là phù hợp. Tuy nhiên, xét về lâu dài cần nhận thấy GDTX trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng là lĩnh vực được quan tâm phát triển mạnh mẽ từ vài thập kỷ nay gắn với chủ trương HTSĐ, xây dựng XHHT.

Trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn CNH, HĐH trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc thúc đẩy GDTX, HTSĐ càng trở nên bức thiết. Nhìn ở góc độ việc ban hành Luật GD suốt đời là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đưa ra thảo luận như cần có ngành học GDTX trong Luật; cần xây dựng được các trung tâm HTCĐ, GDTX…; thay đổi dần quan niệm nghề nghiệp; cần có sự ăn khớp giữa các tiểu ban này với tiểu ban kia như GDTX với GDPT phải phối hợp để phân luồng HS; những vấn đề đặt ra với GDTX cấp huyện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ