Trả lại bản chất xã hội cho giáo dục

GD&TĐ - Xã hội hoá giáo dục là sự trả lại bản chất xã hội của giáo dục trong khi hoạt động giáo dục vẫn là đặc trưng của các nhà trường. Cần phải thay đổi môi trường giáo dục khép kín, chuyển sang nền giáo dục mở, có tính liên thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Trả lại bản chất xã hội cho giáo dục

Đây là quan điểm của TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - khi chia sẻ về xã hội hóa giáo dục và xây dựng hệ thống giáo dục mở, xã hội học tập, học tập suốt đời.

Giáo dục không đóng khung trong nhà trường

Cho rằng cần chuyển từ quan niệm chỉ coi trọng việc học trong nhà trường, giáo dục chính quy sang coi trọng cả giáo dục nhà trường và giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục không chính quy (giáo dục thường xuyên), theo TS Nguyễn Vinh Hiển, với mỗi người, giáo dục chính quy chỉ cần trong những giai đoạn nhất định, nhưng giáo dục không chính quy thì cần cho suốt cả cuộc đời.

Bởi vậy, cần xây dựng xã hội học tập, đảm bảo ai cũng học, cũng có đủ điều kiện học thường xuyên, học suốt đời và cũng thường xuyên có trách nhiệm tham gia làm giáo dục, để giáo dục thật sự là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, để mỗi hoạt động của xã hội đều mang tính giáo dục, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa nhà trường và xã hội.

Đặc biệt, ngày nay, khi khoa học, công nghệ và thông tin phát triển rất nhanh chóng thì không ai có thể coi kiến thức của giáo dục ban đầu lại có thể đủ cho hết đời; người học không chỉ tiếp thu kiến thức từ nhà trường mà từ rất nhiều nguồn khác nhau.

Thế nhưng, quan niệm chung, quen thuộc lâu nay của chúng ta lại là: học một lần cho cả cuộc đời, học tại nhà trường chính quy mới có kết quả tốt.

TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, với quan niệm như vậy, giáo dục đặt trọng tâm vào các trường lớp chính quy, đóng khung bên trong các bức tường của nhà trường, thiếu sự gắn kết với cộng đồng, xã hội.

Do vậy kiến thức xa rời thực tiễn, nhanh chóng trở thành thiếu hụt, lạc hậu, nhất là ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

5 lưu ý để làm tốt XHH giáo dục, xây dựng xã hội học tập

TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ 5 việc nhà trường cần bảo đảm tốt để thực hiện phương châm xã hội hóa giáo dục và xây dựng hệ thống giáo dục mở, xã hội học tập và học tập suốt đời.

Theo đó, việc đầu tiên là cần coi trọng dạy cách học, dạy cách học quan trọng hơn dạy kiến thức.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi nội dung dạy học phải thật tinh giản, cơ bản, hiện đại và thiết thực; phương pháp dạy học phải bảo đảm hướng dẫn người học tự tìm ra kiến thức, qua đó mà biết cách học để học tập suốt đời; coi trọng đồng thời cả hoạt động học trên lớp và hoạt động trải nghiệm ngoài xã hội; hình thành và phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, năng lực và hứng thú tự học.

Những đổi mới đó đòi hỏi phải chuyển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng nội dung hiện nay sang một chương trình giáo dục mới theo định hướng năng lực.

Giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo kiến thức và kĩ năng chuyên sâu, tác phong công nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp. Giáo dục đại học phải nhằm phát triển tư duy sáng tạo và năng lực tự nghiên cứu.

Thứ 2: Nội dung GD&ĐT phải gắn với sản xuất, kinh doanh của địa phương và cả nước

Những năm gần đây đã xuất hiện những mô hình nhà trường phổ thông gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương, người dạy không chỉ là giáo viên mà còn có các nghệ nhân, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật…

Ví dụ: trong mô hình “Trường học đồi chè”, học sinh được học về đặc điểm sinh thái của cây chè, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương thích hợp với cây chè ra sao, các kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè… Các em vừa đi học vừa phụ giúp gia đình sản xuất chè hoặc tham gia một số công đoạn của công ty kinh doanh chè đóng trên địa bàn.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, các trường phải kết hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan để thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo trên cơ sở đảm bảo chuẩn đầu ra, gắn liền với thực tiễn kinh tế, xã hội của đất nước, của địa bàn hoạt động.

Thứ 3: Nhà trường tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Những hoạt động đó, ngoài ý nghĩa là hoạt động thiện nguyện (có thể không nhiều) còn có ý nghĩa giáo dục (chắc chắn được rất nhiều), gây xúc động, làm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm và năng lực hoạt động của giáo viên, của học sinh, sinh viên.

Đồng thời, thu hút được cả sự tham gia của phụ huynh học sinh, của những nhà hảo tâm muốn đóng góp cho xã hội, cho giáo dục; mở rộng không gian, thời gian giáo dục cho nhà trường, có tác dụng hướng nghiệp; tác dụng huy động nguồn nhân lực, trí lực cho giáo dục.

Thứ 4: Phát huy vai trò của giáo dục gia đình. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Nếu chỉ coi giáo dục là một dịch vụ công thuần tuý, thiếu trách nhiệm tham gia đóng góp của người thụ hưởng (phụ huynh và người học) thì không thể thành công.

Nhưng tại sao vẫn còn hiện tượng “trăm sự nhờ thầy cô”? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nhiều phụ huynh không ý thức được trách nhiệm, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục gia đình, hoặc không biết cách thực hiện giáo dục gia đình.

Nhà trường, tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để phụ huynh học sinh chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục tiến hành trong nhà trường hoặc giáo dục tại gia đình.

Thứ 5: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục. Với nội dung này, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, trường học tốt phải là trường huy động được nhiều nguồn lực khác nhau từ xã hội, vì ngân sách công cho giáo dục dù có được quan tâm nhưng đã và sẽ không bao giờ đáp ứng hết các yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cần tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực xã hội vào những mục đích không thiết thực cho học sinh, không hiệu quả, tránh việc huy động mang tính bắt buộc dẫn đến sự phản ứng của nhà tài trợ, của phụ huynh học sinh.

"Chúng ta không thể kể hết các ví dụ điển hình về việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội của các nhà trường trên cả nước. Hiệu quả của việc thu hút nguồn lực xã hội cho nhà trường phụ thuộc chủ yếu vào tính thuyết phục của việc sử dụng các nguồn lực đó.

Vì vậy, việc đầu tiên là cần phải giải thích rõ ý nghĩa thiết thực, phục vụ trực tiếp và vì quyền lợi học sinh của việc quyên góp, xin hỗ trợ; sự cam kết sử dụng nguồn hỗ trợ có hiệu quả; sau đó là kết quả thực tế.

Nếu tốt thì nhà trường sẽ có thêm những cơ hội huy động khác, nếu không đúng như cam kết thì “một sự bất tín, vạn sự bất tin” và hết cơ hội cho lần sau.

Chính phủ đã có Nghị định qui định về quản lí sử dụng các nguồn tài trợ, bảo đảm các nguyên tắc về quản lí tài chính, sử dụng hiệu quả, công khai, các nhà trường buộc phải tuân thủ" - TS Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

"Chúng ta đang cố gắng “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Điều đó đòi hỏi trước tiên phải thay đổi nhận thức trong ngành, trong xã hội, trong phụ huynh học sinh về thế nào là chất lượng giáo dục tốt và bằng cách nào để đạt được chất lượng tốt. 
Một trong những sự thay đổi là phải hiểu rằng học không chỉ là ngồi trên lớp hay làm việc với sách vở trong góc học tập ở nhà; việc học có thể diễn ra nhẹ nhàng từ ngay trong những hoạt động thường ngày của gia đình" - TS Nguyễn Vinh Hiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.