Sữa học đường là chương trình hoàn toàn tự nguyện

GD&TĐ - Ngày 6/8/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.

Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội
Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội

Theo đề án này, trẻ mẫu giáo và HS tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020. Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, HS được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Khẳng định tính nhân văn của Chương trình Sữa học đường, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Theo cơ chế hỗ trợ Đề án Sữa học đường, trẻ em mẫu giáo, HS tiểu học thuộc diện nghèo, cận nghèo, HS là người dân tộc thiểu số, HS thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Đối với HS bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh HS đóng góp. Mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/ hộp/180ml. Tức mỗi HS bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70.000 đồng/HS.

Số tiền không lớn, nhưng nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá lo lắng khi thiếu thông tin về Chương trình Sữa học đường và về hãng sữa cũng như chất lượng của loại sữa sẽ được triển khai trong chương trình. Trước những băn khoăn, thắc mắc của cha mẹ HS, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định: Sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, không bán trên thị trường và được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như sắt, canxi, vitamin A, vitamin D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em HS ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Sữa học đường là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc nên phụ huynh HS có thể đăng ký khi có nhu cầu. Những phụ huynh chưa đăng ký có thể đăng ký bổ sung. Với sự hỗ trợ ngân sách Nhà nước và của nhà thầu cung cấp sữa, phụ huynh sẽ chỉ phải đóng 50% giá trị của hộp sữa 180ml.

Giải thích lý do vì sao chưa có tên sữa và công ty cung cấp sữa, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, hiện nay Sở GD&ĐT đang làm các thủ tục đấu thầu, vì vậy chưa thông tin đến phụ huynh hãng sữa nào sẽ cung cấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tiến khẳng định, hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra.

Để đảm bảo việc thực hiện Chương trình Sữa học đường diễn ra đạt mục tiêu, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo quản lý và giám sát. Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm giám sát về thông số kỹ thuật theo yêu cầu của Chương trình Sữa học đường TP Hà Nội. Cùng với đó là giám sát quá trình giao nhận, uống sữa của các em HS tại nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.