Người dân đổ ra đường đêm Trung thu, chuyên gia lo ngại Hà Nội có thể giãn cách lại từ đầu

GD&TĐ - Đêm Trung thu, người dân ùn ùn đổ ra đường, các tuyến phố chật kín người trong khi Hà Nội vẫn đang giãn cách theo Chỉ thị 15,. Chuyên gia lo ngại có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.

Đêm Trung thu, mọi ngả đường vào trung tâm Hà Nội đông nghẹt người. Ảnh: Thế Đại.
Đêm Trung thu, mọi ngả đường vào trung tâm Hà Nội đông nghẹt người. Ảnh: Thế Đại.

Chỉ cần có một F0 trong biển người sẽ rất khó truy vết

Thông tin trên báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng đây là những hình ảnh rất buồn, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Thành phố đang thực hiện.

Theo ông Phu, Hà Nội nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và không tập trung đông người.

Ông Phu đánh giá Hà Nội thời gian qua đã thành công khi khống chế không để dịch bùng phát. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để tìm được hết 100% F0 ở cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero Covid).

Ổ dịch ở phường Việt Hưng (Long Biên) là một ví dụ. Dịch cũng đi vào các chuỗi cung ứng, nhiều lái xe luồng xanh hay người bán hàng online, người bán cũng như người mua hàng ở chợ… cũng bị nhiễm.

PGS Trần Đắc Phu đề nghị những người ùa ra đường đi chơi Trung thu hôm 21/9, đặc biệt tại các khu vực công cộng đông người, cần theo dõi, khi có biểu hiện ho, sốt, hay các triệu chứng chỉ điểm nhiễm bệnh trên toàn thành phố cần khai báo để sàng lọc, xét nghiệm ngay.

Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, Hà Nội vẫn luôn đặt trong trạng thái "nguy cơ rất cao", dịch bệnh vẫn có thể xảy ra.

Cũng theo chuyên gia này, kể cả khi Thành phố trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ.

Dẫn ra ví dụ từ một số quốc gia vẫn tiếp tục siết chặt, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức các lễ hội để tránh nguy cơ lây nhiễm không đáng có khi người dân đổ ra đường, PGS Phu nhấn mạnh. Thành phố tạo điều kiện nhưng người dân không thể vì thế mà chủ quan, vì "giải nén lò xo trong thời gian giãn cách" mà bỏ qua các quy định, khuyến cáo.

Ông Phu cho rằng, trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm.

Về việc người dân chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính và cho rằng tiêm 1 - 2 mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh, ông Phu nhận định, đó là sai lầm.

Ông Phu thông tin thêm, vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. 

Chủ quan vì đã xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì đã tiêm một mũi vắc xin nghĩ rằng không thể nhiễm bệnh, đó là sai lầm. Có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lên lại thì chúng ta lại phải giãn cách lại từ đầu.

Hà Nội vẫn còn nguy cơ dịch, chưa thể chủ quan

Trước đó, tại cuộc họp chiều 20/9, thời điểm quyết định Hà Nội được nới lỏng giãn cách, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, những kết quả trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian qua là do sự lãnh đạo của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của Thành phố, sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố bạn và các bệnh viện tuyến Trung ương, hệ thống y tế tư nhân, các y bác sỹ đã nghỉ hưu, của đội ngũ tình nguyện viên và của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Các chuyên gia cho rằng, tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 là biện pháp lâu dài để phòng bệnh. Đồng thời, người dân cần phải tuân thủ thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, vì khi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh, người dân vẫn có thể mắc bệnh.

Chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách xã hội được. Nhưng muốn bình thường trở lại, phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người. Ý thức - như liều vắc xin ngừa Covid-19 hướng tới cuộc sống bình thường mới.

Trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21/9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.

Cụ thể, Thành phố nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, một mặt quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; mặt khác tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại và tạo điều kiện cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; có điều kiện để chuẩn bị và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô, từ nguồn nhân lực, trang thiết bị.

Nhấn mạnh kết quả đạt được vừa qua có sự chung tay, đóng góp rất lớn, chấp nhận rất nhiều khó khăn để có được kết quả này, nhưng Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, kết quả này có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thực tự giác chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn, ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

“Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Thông điệp 5T của Bộ Y tế.

Thông điệp 5T của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.