Mất bao lâu để thành công dập “làn sóng thứ tư”?

GD&TĐ - Các chuyên gia dự đoán, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng có thể tăng trong 2 tuần tới. Sau đó, số ca mắc sẽ giữ nguyên và có thể giảm dần, nếu mọi người thực hiện tốt quy tắc phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, hiện tại, về cơ bản tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Đại đa số các ca bệnh đều xác định được nguồn lây.

Diễn biến dịch bệnh nguy hiểm

Nhận định về tình hình hiện tại, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, diễn biến đợt dịch này nguy hiểm hơn nhiều so với trước. Bởi, nhiều ổ dịch bùng phát cùng thời điểm và virus biến thể mới xuất hiện, với tốc độ lây lan nhanh, như biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ, B.1.1.7 từ Anh. Đặc biệt, dịch xuất hiện ở nhiều bệnh viện lớn. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân và người nhà đang trở thành người mang mầm bệnh đi khắp nơi.

“Bên cạnh đó, tình trạng lây nhiễm chéo giữa các bệnh viện thông qua việc chuyển bệnh nhân từ viện này sang viện khác cũng đã xảy ra. Trên thực tế, tình trạng giao thoa, đi lại của nhân viên y tế, vận chuyển bệnh nhân từ nơi này sang nơi khác trong khám chữa bệnh của bệnh viện là một hoạt động bình thường”, PGS Nga cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bùng phát, hoạt động đó sẽ trở nên nguy hiểm nếu không tuân thủ các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch. Bởi, mầm bệnh có thể phát tán từ nơi này sang nơi khác và hình thành các ổ dịch mới trong bệnh viện.

“Dự đoán lần này rất khó vì dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu thần tốc truy vết và chống dịch quyết liệt, chúng ta cũng phải mất trên 50 ngày mới khống chế được. Thậm chí, cần lường trước tình huống phải sống chung với dịch”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga dự đoán.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn về xây dựng bệnh viện an toàn trong đại dịch Covid-19. Đặc biệt, cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Không nên cho người nhà vào ở để chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Các bệnh viện phải tự tổ chức chăm sóc bệnh nhân.

Đối với những bệnh nhân và người nhà đang ở trong khu cách ly, phong tỏa của các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện K, cần bĩnh tĩnh, tuân thủ mọi chỉ dẫn của bệnh viện để bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cộng đồng.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, có nhiều lý do khiến đợt dịch này nghiêm trọng hơn, khi lây từ bệnh viện và những nơi “rất nhạy cảm”. Trong đó, bao gồm các bệnh viện tuyến cuối - nơi mức độ đi lại nhiều và xa. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan từ những môi trường như quán bar, karaoke. Tại môi trường đó, mọi người thường tiếp xúc gần, trong không gian kín, chật. 

Dịch đạt “đỉnh dịch” trong 1 - 2 tuần tới

Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành giải trình tự gene các mẫu do địa phương gửi về ở những bệnh nhân mắc Covid-19. Kết quả giải trình tự gene một số mẫu ngày 11/5 do các tỉnh gửi về cho thấy, có 7 mẫu thuộc biến chủng B.1.617.2. Đây là biến thể lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ. Trong đó, có 2 mẫu ở Vĩnh Phúc; 2 ở Bắc Ninh, 2 tại Lạng Sơn và 1 mẫu ở Nam Định.
Ngoài ra, có 1 mẫu thuộc biến thể B.1.1.7, liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh từ Lào tại Hải Dương. Đây là biến thể được phát hiện tại Anh.

Theo bác sĩ Khanh, Việt Nam đang ở “khúc đầu” của đợt dịch. Chuyên gia này cho rằng, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tăng nhiều những ngày qua không phải là điều bất thường hay đáng lo ngại. Bởi, điều đó chứng tỏ, chúng ta đang truy vết thành công.

Chuyên gia cũng dự đoán, 1 - 2 tuần nữa sẽ là thời gian dịch bệnh đạt “đỉnh” tại nước ta, nếu mọi người tuân thủ tốt quy tắc phòng, chống dịch.

“Gánh nặng của Covid-19 không phải là bệnh nhiều. Điều quan trọng là Covid-19 không đánh vào hệ thống chính trị. Như vậy là an toàn. Covid-19 không tấn công vào quá nhiều nhóm nguy cơ, khi đó chúng ta mới thắng. Nếu không cẩn thận, chúng ta là cầu nối để virus phát tán về cơ quan, gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần có trách nhiệm để bản thân không trở thành cầu nối”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Chuyên gia đồng thời cảnh báo, nếu không thực hiện tốt các quy tắc phòng Covid-19, làn sóng thứ tư có thể kéo dài 2 tháng. Khi đó, chúng ta có nguy cơ “phải trả giá bằng những ca tử vong”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...