Lương và vị trí việc làm

Lương và vị trí việc làm

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên công lập ở các cấp học. Theo đó, bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung dành cho viên chức nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề.

Từ năm 2010, theo quy định của Luật Viên chức, cách trả lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành đều chưa đủ tiêu chuẩn để ở hạng chức danh khác, ngoài chức danh thấp nhất, do đó, mức lương nhận được tương ứng. Một giáo viên có bằng đại học hoặc cao hơn nhưng dạy ở mầm non, tiểu học… chỉ được xếp lương ở hạng thấp nên lương rất thấp. Bất hợp lý cũng xảy ra khi cùng một vị trí việc làm, công việc, đối tượng như nhau nhưng thu nhập giữa giáo viên mới vào nghề và giáo viên có thâm niên cách nhau rất xa. Thực tế này khiến nhiều giáo viên không có động lực phấn đấu, cứ "sống lâu lên lão làng", làm ảnh hưởng đến tiến trình đổi mới. Không ít giáo viên trẻ, có năng lực phải nói lời chia tay với nghề để tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn.

Theo Luật Giáo dục (sửa đổi), việc xếp lương giáo viên sẽ theo đúng tiêu chuẩn đào tạo, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc theo vị trí việc làm của mỗi người. Dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc, giáo viên sẽ được trả lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Không chỉ tạo nên công bằng cho giáo viên được đào tạo đúng chuẩn, vị trí việc làm, so với trước đây, cách tính mới còn mở rộng bậc lương. Theo dự thảo, hệ số lương cho giáo viên hạng I ở một số cấp học sẽ kịch khung lên đến 6,78, trong khi hàng chục năm qua chỉ ở mức 4,98 (kịch khung). Lương giáo viên tiểu học cao nhất có thể lên tới gần 11 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp ưu đãi).

Trả lương theo vị trí việc làm như Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định là xu hướng chung, tiến tới thực hiện việc trả lương theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương. Việc sắp xếp lương hợp lí, lương được cải thiện, sẽ tạo sức hấp dẫn cho nghề dạy học, thu hút người giỏi vào ngành. Điều này cực kỳ có ý nghĩa khi từ 1/7, sinh viên sư phạm không còn được miễn phí mà chỉ được vay tín dụng và phải trả nếu không đủ thời gian quy định công tác trong ngành.

Phương án trả lương cho công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng theo vị trí việc làm đã và đang được nhiều người đồng tình, nhất là giáo viên trẻ có bằng cấp chuẩn. Tuy nhiên, để việc trả lương triển khai đúng mục đích, tạo công bằng, động lực cống hiến cho nhà giáo, song song với vị trí việc làm theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, cần thiết phải xây dựng được tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả làm việc. Thời gian qua, nhiều đơn vị ngoài quốc doanh, trong đó có trường tư thục đã thực hiện trả lương qua vị trí việc làm, căn cứ trên năng suất lao động và cách làm này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo.

Dĩ nhiên, với ngành đặc biệt "trồng người" như giáo dục, kết quả, hiệu quả đánh giá công việc của giáo viên không dễ dàng lộ ra trước mắt. Vì thế, song song với đánh giá theo giai đoạn, đánh giá đột xuất bằng thanh, kiểm tra, cũng cần lấy ý kiến phản hồi của người học trong từng năm, học kỳ, thậm chí từng tháng. Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể để làm tốt công tác đánh giá, không xem xét quá trình và phản hồi của phụ huynh, người học, việc trả lương dù có theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng khó tránh được trạng thái "cào bằng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.