ILO chúc mừng Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi

GD&TĐ - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam đã đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế với việc thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019.

TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam
TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam

ILO cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi đã phù hợp hơn với các quyền lao động cơ bản phổ quát. “Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ Luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”- TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết.

Lần sửa đổi Bộ Luật Lao động mới nhất này tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết.”

Người lao động tại doanh nghiệp được thành lập hay tham gia tổ chức đại diện do họ lựa chọn
 Người lao động tại doanh nghiệp được thành lập hay tham gia tổ chức đại diện do họ lựa chọn

Một nội dung thay đổi lớn khác là Bộ Luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người lao động được tuyển dụng, nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản. Nhờ có sự tham vấn chặt chẽ, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động giờ đây được quy định rõ ràng hơn, cũng như đã có thêm các quyền và quy trình thể chế mới.

Điểm tiến bộ được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp. Bộ Luật cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, cũng như và giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.

Cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là bốn nguyên tắc được đặt ra trong tám Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trên 8 công ước này, hai công ước còn lại là Công ước số 105 về lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về tự do hiệp hội – dự kiến sẽ được phê chuẩn lần lượt vào năm 2020 và 2023.

Tôn trọng các công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam) cũng như của các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động kể từ năm 2016, ILO đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ LĐ-TB&XH, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động và Quốc hội, nhằm giúp Việt Nam tổ chức tham vấn về nội dung dự thảo một cách đầy đủ nhất, đảm bảo các bên liên quan được tham khảo các bằng chứng và nghiên cứu, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa khung pháp lý quốc gia và các Công ước cơ bản của ILO.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...