Hà Nội di chuyển hoa sữa lên trồng ở bãi rác Nam Sơn: Lợi cả đôi đường?

GD&TĐ - Theo lãnh đạo UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), tiếp thu ý kiến của người dân, những ngày qua các ngành chức năng đã lên phương án cắt tỉa để di chuyển gần 100 cây hoa sữa từ phố Trích Sài lên trồng tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn - Sóc Sơn (Khu LHXLCT Nam Sơn).

Công nhân môi trường tiến hành thu gom cành cây sau khi cắt tỉa
Công nhân môi trường tiến hành thu gom cành cây sau khi cắt tỉa

Mang nơi thừa về chỗ thiếu?

Thông tin với Báo GD&TĐ chiều 19/7, ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp và đại biểu TP Hà Nội, cử tri và nhân dân trên địa bàn phường đã nhiều lần có ý kiến đề nghị thành phố quan tâm đánh chuyển bớt cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài đến vị trí khác phù hợp hơn.

Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, do số lượng cây hoa sữa trồng dày đặc, vào mùa hoa khu vực tuyến phố Trích Sài “khá nặng mùi”, gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, rễ cây cũng ảnh hưởng đến vỉa hè, nền đường trên tuyến phố.

“Phố Trích Sài có 102 cây hoa sữa, được trồng khoảng hơn 10 năm trước với mật độ khá dày, có những đoạn vỉa hè trồng từ 2 - 3 cây/m nên thường gây khó chịu cho nhân dân. Người dân mong muốn được dịch chuyển bớt cây hoa sữa đi nơi khác cho phù hợp với mật độ dân số…”, ông Hoàng Thanh Hải thông tin.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân, thành phố đã giao UBND quận Tây Hồ nghiên cứu phương án để báo cáo thành phố. Văn bản xin chủ trương về việc di chuyển cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài của quận Tây Hồ đã được UBND thành phố thống nhất và giao Sở Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Là đơn vị trực tiếp triển khai việc di chuyển gần 100 cây hoa sữa, Phó Trưởng ban Quản lý dự án hồ Tây - Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban Quản lý dự án hồ Tây sẽ di chuyển 96/102 cây hoa sữa ở phố Trích Sài về trồng tại khu vực Khu LHXLCT Nam Sơn. “Ban Quản lý dự án hồ Tây sẽ có trách nhiệm chăm sóc trong thời gian 2 năm, bảo đảm cây sống khỏe, xanh tốt và bàn giao cho khu liên hợp. Việc cắt tỉa, đánh gốc, di chuyển và trồng cây toàn bộ 96 cây ở vị trí mới dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019. Các ngành chức năng quận Tây Hồ sẽ nghiên cứu trồng cây thay thế bảo đảm cảnh quan đô thị…”, ông Tuấn cho biết thêm.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Công ty URENCO) cho biết, trước đó (ngày 14/8/2018), UBND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) có văn bản gửi Công ty URENCO về việc đề nghị trồng cây hoa, cây xanh hai bên lề đường vào cổng phía Nam Khu LHXLCT Nam Sơn. Văn bản ghi rõ:

“UBND xã Nam Sơn đề nghị Công ty URENCO triển khai thi công trồng cây hoa, cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan đẹp hai bên lề đường vào cổng Nam bãi rác. Đây là tuyến đường xã Nam Sơn xác định rất cần đầu tư vì là tuyến đường chính vận chuyển xe rác vào Khu LHXLCT Nam Sơn…”, ông Nguyễn Hữu Tiến thông tin.

UBND quận Tây Hồ cũng có văn bản về phương án di chuyển cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về Khu LHXLCT Nam Sơn để trồng và chăm sóc. Đến ngày 18/4/2019 Sở Xây dựng Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì, phối hợp cùng Công ty URENCO kiểm tra, rà soát và đề xuất các vị trí có thể tiếp nhận cây hoa sữa tại Khu LHXLCT Nam Sơn.

Việc cắt tỉa, đánh gốc, di chuyển và trồng cây toàn bộ 96 cây ở vị trí mới dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019
  • Việc cắt tỉa, đánh gốc, di chuyển và trồng cây toàn bộ 96 cây ở vị trí mới dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019

Hoa sữa có khử được mùi?

Xung quanh việc cắt tỉa, đánh gốc, di chuyển và trồng cây toàn bộ 96 cây hoa sữa về Khu LHXLCT Nam Sơn, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, trồng thêm cây xanh lên khu vực bãi rác là rất phù hợp.

“Cây xanh được trồng vào khu vực bãi rác tạo ra không khí, ô xy trong lành, ngăn cản lượng di chuyển dòng khí từ bãi rác ra các vùng khác, nhất là khu dân cư. Xung quanh bãi rác càng nhiêu cây xanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu…”, PGS.TS Đặng Văn Đông nhấn mạnh.

Trước những nghi ngờ của người dân về việc cây hoa sữa có khử mùi cho bãi rác Nam Sơn hay không, PGS.TS Đông cho rằng, cây hoa sữa chỉ có tác dụng như một loại cây xanh. Hiện nay chưa có ai nghiên cứu được tác dụng khử mùi của cây hoa sữa đối với khí độc của bãi rác.

“Muốn khử được mùi thì vị hương của một số chất tinh dầu từ hoa sữa tạo ra phải có phản ứng trung hòa với các khí độc hại, khí gây mùi từ bãi rác. Tuy nhiên, chưa có ai nghiên cứu hay kết luận gì về việc này. Tôi nghĩ rằng nó không có tác dụng trong việc trung hòa như vậy. Vào mùa, tác động cộng hưởng giữa khí độc, mùi từ bãi rác với mùi hoa sữa có khi lại tạo ra mùi nồng nặc thêm, việc này cần phải có thử nghiệm. Tuy nhiên, nhìn chung nó không có tác hại nhiều, bởi vì mùi hoa sữa, sẽ hòa loãng hơn là để tại môi trường có mật độ dân cư đông đúc như phố Trích Sài…”, PGS.TS Đặng Văn Đông lý giải.

Nói về việc chặt cành, di chuyển cây hoa sữa vào giữa hè, PGS.TS Đăng Văn Đông cho rằng, thời điểm này nhiệt độ cao nên việc di chuyển cây hoa sữa là không phù hợp, không cần thiết. “Di chuyển cây hoa sữa vào mùa thu và cần có sự chuẩn bị tốt, kỹ càng hơn. Bởi thời điểm này, tỷ lệ sống sẽ thấp và mức độ hồi phục của cây hoa sữa sẽ chậm. Việc cắt tỉa, di chuyển chăm sóc nếu được triển khai sau 2 tháng nữa thì tốc độ cây phát triển sau 6 tháng trồng mới sẽ nhanh hơn là thời điểm này...”, PGS.TS Đăng Văn Đông nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.