“Giấy thông hành” để vải Lục Ngạn ra thế giới

GD&TĐ - Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là tấm giấy thông hành xuất khẩu vải thiều sang các thị trường khó tính, nâng cao giá trị nông sản Việt.

“Giấy thông hành” để vải Lục Ngạn ra thế giới

Chứng minh độ ngọt bằng số liệu

Nhờ những đặc tính ưu việt trong sản xuất và chất lượng, vải thiều Lục Ngạn được chọn trở thành một trong ba sản phẩm (bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột) trong số hơn 70 chỉ dẫn địa lý Việt Nam để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản) vào năm 2017.

“Để chọn lựa, chúng tôi phải xây dựng một bộ tiêu chí với các yếu tố là sản phẩm đặc biệt; có sản lượng lớn, có tiềm năng xuất khẩu; trình độ sản xuất ở mức cao, quy trình sản xuất tương đối chuẩn; có hiệp hội ở địa phương...

Trong đó, chúng tôi đánh giá cao vải thiều Lục Ngạn về tính tiêu biểu, điển hình cho sản phẩm Việt Nam để có thể gia nhập thị trường Nhật Bản”, ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết.

Vải thiều Lục Ngạn có đặc tính quả to, vị ngọt đậm nhờ vị trí vùng trồng vải nằm ở “phần lõm” của cánh cung Đông Triều, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao, người dân sử dụng kỹ thuật canh tác truyền thống khoanh (siết) cành (cắt một khoanh vòng qua thân hoặc nhánh chính của cây) để kích thích ra hoa...

Vị ngọt đậm thể hiện qua giá trị Brix trung bình của vải thiều Lục Ngạn cao hơn khoảng 2 - 3% so với vải thiều ở các vùng canh tác khác ở Việt Nam, và hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2 - 5%. Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cần có căn cứ, thống kê, như bằng chứng khoa học về các đặc tính này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Công nghệ sinh học và Chế biến thực phẩm, Viện Công nghệ HAUI (ĐH Công nghiệp Hà Nội), để giải thích chính xác vấn đề này, chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế tạo vị ngọt cũng như các thành phần có trong các loại hoa quả.

Đường tạo ra vị ngọt, nhưng có rất nhiều loại đường với độ ngọt khác nhau. Nếu quy ước độ ngọt của đường saccaroza là 100, thì độ ngọt của các loại đường sẽ như sau: Fructoza (đường hay có trong quả chín) - 173; Glucoza - 74; Mantoza - 32,5; Galactoza (đường trong sữa) - 32,1; Lactoza (đường sữa) - 16.

Để chứng minh vải thiều Lục Ngạn có vị ngọt đặc trưng so với vùng khác, chúng ta cần phân tích cụ thể độ ngọt của quả vải có hàm lượng đường ra sao, lấy mẫu ở đâu, có so sánh với các vùng khác chứ không chỉ đưa ra độ Brix chung. Nếu không đưa ra được cơ sở khoa học chứng minh được tất cả những đặc trưng đó thì khó được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Bắc Giang tìm mọi cách xoay xở. Với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang cố gắng tìm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nhật Bản để kịp thời đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản ngay trong mùa vải năm 2020.

Trước những thông tin khoa học thuyết phục này, đối tác Nhật Bản thành lập hội đồng chỉ dẫn địa lý cấp quốc gia, bao gồm các nhà nông nghiệp, xã hội học, thị trường... đánh giá.

Đây là cơ sở để đến ngày 12/3/2021, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước này.

Tìm ra phương pháp bảo quản tối ưu

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương...). Hiện, có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được Liên minh châu Âu công nhận trong khuôn khổ các hiệp định FTA. Trong số này có nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, hoa hồi Lạng Sơn, cafe Buôn Ma Thuột, vải thiều Bắc Giang, chè San tuyết Mộc Châu...

Các nhà nghiên cứu vẫn đang đau đầu với bài toán bảo quản quả vải thiều sau thu hoạch. “Mặc dù, chúng tôi đã nghiên cứu nhiều về bảo quản các loại hoa quả nhưng trong tất cả các loại quả nói chung, vải thiều khó bảo quản nhất”.

Quả vải rất dễ bị hóa nâu do enzyme polyphenol oxidase (PPO) làm phân hủy các chất màu anthocyanin trong vỏ quả, tạo thành các sản phẩm phụ có màu nâu. Nếu không có biện pháp bảo quản phù hợp, quả vải có thể chuyển sang màu nâu hoàn toàn trong 48 tiếng đồng hồ.

Mặt khác, sau khi hái khỏi cây, vải sẽ ngừng chín và chỉ diễn ra quá trình hô hấp khiến các chất trong quả vải bị oxy hóa, đường bị lên men tạo ra mùi vị giống như rượu.

PGS.TS Nguyễn Văn Lợi cho biết, chúng ta cần nghiên cứu một cách bài bản, từ sự thay đổi các thành phần chất dinh dưỡng theo thời điểm sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, các hoạt chất trong quả... việc hiểu rõ bản chất khoa học của cây vải là nền tảng quan trọng để tìm ra phương pháp bảo quản, cách chế biến sâu hoặc những phương thức khác giúp gia tăng giá trị cho vải thiều.

Vụ vải năm nay còn đặc biệt hơn khi vải thiều Lục Ngạn đã chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Do đã được “cấp giấy thông hành” ở thị trường khó tính nên các hộ trồng vải ở đây đều cam kết thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau thời gian hơn 3 năm, từ khâu chuẩn bị hồ sơ tới việc cung cấp các tài liệu chứng minh vải thiều Lục Ngạn khác biệt.

Đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã có “giấy thông hành”. Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang cho thấy, năm 2021 diện tích vải thiều toàn tỉnh là 27.700 ha, sản lượng dự kiến là 160.000 tấn.

Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450 ha, sản lượng trên 120.000 tấn. Năm 2021, dự kiến xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản trên 1.000 tấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ