Cuộc sống người dân vùng dịch Đà Nẵng: Đi chợ kiểu tem phiếu chống “cô vy”

Ngày đầu tiên (12/8) TP Đà Nẵng áp dụng phương pháp dùng thẻ để vào chợ nhằm bảo đảm giãn cách xã hội của người dân trong lúc Covid-19 đang hoành hành.

 Kiểm soát thẻ vào chợ ở Đà Nẵng.
Kiểm soát thẻ vào chợ ở Đà Nẵng.

3 ngày đi chợ 1 lần

Ngày 11/8, Sở Công Thương đã có văn bản về việc khẩn trương thực hiện phương án chia tần suất để đi chợ của người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận huyện và Công ty Quản lý và Phát triển các chợ, chủ trì tổ chức triển khai phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn các quận, huyện theo phương án: Mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày thì đi chợ 1 lần.

Theo phương án này, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày (bao gồm: Thẻ ngày chẵn và thẻ ngày lẻ). Thẻ vào chợ chỉ có giá trị sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Về cách thức thực hiện, UBND các quận, huyện chỉ đạo các Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng, UBND các phường, xã in ấn thẻ 2 màu. Thẻ ngày chẵn màu hồng, thẻ ngày lẻ màu xanh da trời. Thẻ được gửi đến các hộ gia đình thông qua tổ dân phố.

UBND các quận, huyện chỉ đạo các Ban Quản lý chợ trên địa bàn bố trí lực lượng kiểm soát thu lại thẻ khi người dân vào chợ.Lưu giữ thẻ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 12/8 đến khi có chủ trương mới của lãnh đạo thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã và các tổ dân phố, tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân tổ chức cơ cấu bữa ăn hợp lý. Nghiêm túc thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ. Cùng chung tay với chính quyền thành phố thực hiện phòng, chống dịch trong giai đoạn quan trọng hiện nay.

Tăng cường lực lượng kiểm soát, bố trí chốt kiểm soát tại các chợ, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tại các lối vào chợ; yêu cầu tiểu thương hướng dẫn người mua hàng giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ. 

Đối với các trường hợp tiểu thương, người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang, không rửa tay bằng nước sát khuẩn thì kiên quyết không cho vào chợ và xử lý theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc buôn bán không đúng quy định...

Quên “tem phiếu” không được vào chợ

Nhân viên bảo vệ ở các chợ kiểm tra thẻ vào chợ của người dân.
Nhân viên bảo vệ ở các chợ kiểm tra thẻ vào chợ của người dân. 

Ghi nhận ngày đầu tiên sử dụng thẻ, ở các cổng ra vào chợ đều trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho người dân. Phía trong chợ có nhiều pa-nô tuyên truyền, yêu cầu người dân mang khẩu trang. Các tiểu thương cũng thường xuyên được nhắc nhở việc hướng dẫn người mua hàng giữ khoảng cách tối thiểu 2m và đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.

Mặc dù là ngày đầu tiên áp dụng việc dùng thẻ để đi chợ, nhưng người dân đa số chấp hành rất tốt chủ trương này của thành phố. Một số trường hợp người dân quên mang theo thẻ đi chợ nên không được vào. 
Chị Nguyễn Thanh Hồng (quận Hải Châu) cho biết, đối với việc phát thẻ đi chợ theo ngày chẵn, lẻ chị thấy đồng tình, bởi phương án này sẽ bảo đảm việc giãn cách xã hội. 

“Đây chủ trương đúng của thành phố trước lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay. Sở dĩ thành phố như vậy cũng vì sự an toàn cho người dân, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19”, chị Hồng nói.

Còn chị Trà Thanh Thảo (trú quận Thanh Khê) cho hay: “Gia đình tôi có 4 người, bình thường đi chợ 1 lần vẫn bảo đảm đủ ăn trong 4 - 5 ngày. Nên từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, tôi cũng hạn chế đến đi chợ hơn. Việc Sở Công Thương Đà Nẵng ra quy định sử dụng thẻ đi chợ là hợp lý trong thời điểm này”.

Theo khảo sát, nhiều người dân cho rằng, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 ngày càng khó lường thì việc quản lý cấp phát thẻ như vậy cũng là điều hợp lý và người dân hoàn toàn ủng hộ điều này. 

Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng ban Quản lý (BQL) Chợ Hàn cho biết, ngay khi việc sử dụng thẻ đi chợ có hiệu lực, đến sáng 12/8, đa phần số người dân chấp hành tốt chủ trương này khi vào chợ. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp quên mang thẻ lúc đi chợ. 

“Những trường hợp không có thẻ đi chợ thì nhân viên BQL kiên quyết không cho vào chợ. Đây là quy định phòng chống dịch nên phải chấp hành nghiêm. Để quản lý tốt việc này, BQL chợ đã bố trí nhân viên chốt chặn tại các cổng ra vào để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Việc này là cần thiết trong vấn đề giãn cách xã hội giữa lúc dịch bệnh xảy ra”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, khi khóa một số cổng chợ để bắt đầu thực hiện việc giám sát sử dụng thẻ đi chợ, người dân và các tiểu thương trong chợ còn phản ứng. Tuy nhiên, BQL chợ cũng tuyên truyền, vận động giải thích thì người dân đồng tình và thực hiện tốt. BQL Chợ Hàn cũng thường xuyên tuyên truyền trên loa, dán pa-nô để người dân được biết và chấp hành. 

Ông Thành cũng cho hay, đối với các tiểu thương buôn bán tại chợ và các nhân viên trong BQL chợ, khi bắt đầu công việc đều phải được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Nếu trường hợp phát hiện người có thân nhiệt cao thì phải liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để giám sát. Ngoài ra, trong suốt quá trình buôn bán tại chợ các tiểu thương phải bắt buộc đeo khẩu trang và đeo găng tay, bảo đảm tốt nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.