Chuyển đổi số để phát triển nông thôn và giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Các mô hình chuyển đổi số ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc trong giai đoạn thí điểm đã đem lại những kết quả khả quan. Đây được xem là những bài học kinh nghiệm quý báu trong chuyển đổi số để phát triển nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Diễn giải mô hình chuyển đổi số ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn
Diễn giải mô hình chuyển đổi số ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn

Hiệu quả từ chuyển đổi số ở địa phương

Theo Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, một số mô hình thí điểm chuyển đổi số ở cấp xã đã mang lại hiệu quả cao như: chuyển đổi số về phát triển y tế thông minh tại xã Yên Hòa, Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong đó tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân qua hệ thống y tế từ xa. Khám chữa bệnh từ xa bằng cách kết nối các trạm y tế xã lên bệnh viện lớn. Thí điểm truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát thanh bản tin, tái cấu trúc hạ tầng số, chính quyền thông minh. Kết nối thương mại đưa sản phẩm của người dân lên sàn,…

Ngay trong 2 tuần triển khai đầu tiên đã có những kết quả tích cực, về y tế đã kết nối 1171 hộ; khảo sát sức khỏe cho hơn 1371 người; cài đặt app y tế cho 994 người dân;… Số tiền tiết kiệm được cho người dân trong 2 tuần thí điểm ước tính trên 27 triệu đồng.

Tại xã Vi Hương, Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, thí điểm chuyển đổi số cho đồng bào người Dao, thông qua việc tạo cơ sở kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin bằng cách sử dụng ngay những thiết bị sẵn có như: loa truyền thanh xã được cài đặt phần mềm tự đọc bản tin để tiết kiệm nhân lực; xây dựng nhóm zalo xã Vi Hương, nhóm zalo hợp tác xã trong huyện; Xây dựng web, Fanpage giới thiệu sản phẩm nông nghiệp xã Vi Hương, khởi tạo các gian hàng trên sàn Postmart, Tiki, Shopee,…; Xây dựng nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản Agriconneect;

Kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả rõ rệt, nếu như trước đây trung bình người dân chỉ bán được 2 triệu đồng/tháng doanh thu sản phẩm nông nghiệp, thì nay đã có thể bán được từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thay đổi quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm từ thủ công sang sử dụng máy móc, ứng dụng truy xuất nguồn gốc dùng mã QR.

Theo khảo sát, các chương trình thí điểm đã cung cấp đầy đủ thông tin để phục vụ cho quá trình sản xuất cho mọi người dân. Kịp thời cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, dịch vụ thông tin nâng cao đời sống tinh thần. Giúp chia sẻ nhanh chóng, hiệu quả kinh nghiệm thành công về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Sản xuất và quản lý nông nghiệp thông minh

Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Nông nghiệp, nông thôn là một lĩnh vực chuyển đổi số được quan tâm. Dựa trên những công nghệ dữ liệu như IOT, Big data, Icloud,… chuyển đổi số đưa ra hệ thống dữ liệu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, những nội dung để cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao,… Ứng dụng CNTT để quản trị, phát triển nông thôn, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, giảm khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Cục Tin học hóa đã có văn bản hướng dẫn mô hình thí điểm xã thông minh, trong đó chính quyền xã quản lý điều hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trao đổi văn bản, chia sẻ thông tin, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh,… cung cấp dịch vụ số cho người dân. Thông qua môi trường số, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, du lịch, thương mại của địa phương.

Trong đó, văn bản nhấn mạnh các nội dung về giao tiếp với người dân qua loa truyền thanh thông minh; ứng dụng tin nhắn trên điện thoại di động để cung cấp thông tin đến các hộ dân; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, cung cấp thông tin doanh nghiệp, đầu mối hàng hóa cho người dân trong xã.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định trọng tâm phát triển nông nghiệp dựa trên cơ sở dữ liệu lớn về khí hậu, đất đai, cây trồng, vật nuôi, nguồn nước,… mạng lưới để quan sát hệ thống sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quá trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm. Đặc biệt là công tác quản lý, cung cấp kịp thời thông tin cho người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, dự báo thị trường….

Khi được tiếp cận được kịp thời, những thông tin này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực hoàn thiện chương trình viễn thông công ích, nhằm phủ sóng di động đến 100% các thôn bản, mục tiêu đến năm 2025 có 80% thôn, bản có internet,… tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi số, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững."

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ