Chấn chỉnh bạo lực học đường: Trách nhiệm không chỉ riêng ngành Giáo dục

GD&TĐ - Muốn giải quyết được tận gốc bạo lực học đường cần nhìn nhận đúng vai trò, trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội. Để thấy rõ hơn trách nhiệm của từng bên trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Học sinh Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) học tự vệ trong khóa học về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: TG
Học sinh Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) học tự vệ trong khóa học về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: TG

Làm rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về trách nhiệm của các bên trước những vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua?

- Để xảy ra bạo lực học đường có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội.

Trước hết, về phía nhà trường, phải tổ chức xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng được mối quan hệ giữa các chủ thể trong nhà trường dựa trên cơ sở các giá trị cốt lõi: Yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác và trung thực để từ môi trường đó tác động đến hành vi ứng xử văn hóa của giáo viên, nhân viên, học sinh. Bên cạnh đó, cần phòng ngừa các biểu hiện của bạo lực học đường. Hiện nay, một số nhà trường chưa làm tốt việc phòng ngừa để có thể ngăn chặn sớm bạo lực học đường; khi phát hiện thì xử lý chưa thực sự kịp thời, nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khảo sát các nhóm lớp tư thục tại Bình Dương. Ảnh: TG
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khảo sát các nhóm lớp tư thục tại Bình Dương. Ảnh: TG 

Đặc biệt, trong nhà trường, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, giáo viên chủ nhiệm phải là người gần gũi, hiểu được tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Vì vậy, việc chọn cử, bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có trường làm tốt, nhưng có trường làm chưa thực sự tốt; Công tác tư vấn tâm lý, giúp các em giải quyết những khó khăn gặp phải hàng ngày hiệu quả chưa cao. Chưa phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức, cơ quan, ban ngành, đoàn thể để cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đối với gia đình, là nơi trẻ sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách, là môi trường giáo dục đầu tiên và sớm nhất đối với trẻ. Trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình không chỉ là việc riêng của gia đình mà còn là trách nhiệm, đạo đức, nghĩa vụ công dân của những người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm, đồng hành cùng con để chia sẻ, hiểu và giúp con tiến bộ; chưa quan tâm giáo dục con về ứng xử, giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ mình. Nhiều gia đình chưa phối hợp tốt với nhà trường để thống nhất các biện pháp quản lý, giáo dục con

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: IT

Tôi cho rằng, môi trường gia đình rất quan trọng. Nếu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình êm ấm, hạnh phúc, các thành viên yêu thương và có trách nhiệm với nhau thì chắc chắn sẽ phát triển nhân cách tốt.

Phòng chống bạo lực học đường cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, huy động các nguồn lực bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác giáo dục đạo đức lối sống và xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở giáo dục; kịp thời xử lý những vụ việc mất an ninh, an toàn đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.

- Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trước những sự việc bạo lực học đường xảy ra ở địa phương?

- Vừa là nhà quản lý nhưng cũng đồng thời là phụ huynh, trước mỗi sự việc bạo lực học đường, chúng tôi cảm thấy rất đau lòng. Những sự việc đó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của học sinh, mà còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, gây lo lắng và bức xúc cho xã hội.

Trước mỗi sự việc, chúng tôi luôn kịp thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT kiểm tra, làm rõ và phối hợp điều tra, xử lý nghiêm túc, khách quan, công minh, lấy đó làm bài học kinh nghiệm không chỉ đối với đơn vị để xảy ra sự việc mà cả những đơn vị khác. Mặt khác, quan tâm đến nạn nhân bị bạo lực, thăm hỏi, động viên để ổn định tâm lý, tinh thần giúp các cháu tiếp tục đến trường.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành các quy định về môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; văn bản hướng dẫn chỉ đạo địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường; hướng dẫn triển khai các biện pháp (như tư vấn tâm lý, công tác xã hội, ứng xử văn hóa và các hoạt động trong nhà trường) bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh… Cùng với đó là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

Bộ cũng thường xuyên xem xét, rà soát để bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý Nhà nước bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn, đồng thời tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại địa phương.

Thay đổi nhận thức vô cùng quan trọng

- Yếu tố nhận thức của các cơ sở giáo dục, nhất là thầy, cô giáo, lãnh đạo các trường, địa phương là cực kỳ quan trọng. Lo ngại hơn chính là việc nếu giáo viên, ban giám hiệu, gia đình, lãnh đạo địa phương không nhận thức rõ bạo lực học đường là nghiêm trọng. Xin hỏi quan điểm của Thứ trưởng?

- Tôi đồng tình với quan điểm trên. Khâu quan trọng đầu tiên là nhận thức; phải làm cho mọi người nhận thức được tác hại, hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường.

Việc bị bạo lực ảnh hưởng rất lớn đến hình thành, phát triển nhân cách và tương lai của trẻ. Bởi vậy, vấn đề này cần được nhận thức đầy đủ, đúng đắn từ gia đình đến nhà trường và xã hội.

Vừa qua, có một số vụ việc bạo lực học đường chưa được xử lý nghiêm cũng bắt đầu từ nhận thức còn coi nhẹ bạo lực học đường. Vì vậy, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường của nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, gia đình và cộng đồng, có giải pháp phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường hiệu quả.

- Các biện pháp đã và đang được thực hiện, nhưng vụ việc bạo lực học đường vẫn diễn ra. Phải chăng cách xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, thưa Thứ trưởng?

- Đầu tiên phải nói đến học sinh, đặc biệt là học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, chưa cân bằng giữa phát triển sinh lý và tâm lý; các em cũng chưa trưởng thành trong nhận thức, trách nhiệm về hành vi của mình.

Hai là, bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, tác động nhanh và trực tiếp tới học sinh; đặc biệt sự phát triển nhanh của mạng xã hội với quá nhiều thông tin, trong đó có những thông tin độc, xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử và tác động đến tâm sinh lý của học sinh. Các em học sinh đang trong giai đoạn phát triển nhanh và luôn muốn trải nghiệm khám phá để hiểu bản thân mình cần gì, có năng lực gì, bởi vậy các cháu có khi chưa kiểm soát được hành vi của mình.

Một số thầy cô và gia đình, như chúng ta đã nói, chưa nhận thức đầy đủ ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực học đường nên chưa kịp thời phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa xử lý đúng mức, thậm chí còn biểu hiện bao che, bỏ qua cho các cháu, từ đó các cháu có thể lặp lại hành vi chưa đúng đắn.

Chúng ta cũng chưa gắn kết chặt chẽ giữa 3 lực lượng: Nhà trường, gia đình và xã hội. Chúng tôi luôn xác định giáo dục trong nhà trường là yếu tố quan trọng, nhưng rất cần sự đồng hành của gia đình, sự chung tay của toàn xã hội trong giáo dục học sinh. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi nhà trường là xây dựng môi trường dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; ở đó các thầy cô giáo mẫu mực, các thành viên trong nhà trường yêu thương, trách nhiệm, tôn trọng và chia sẻ.

Hiện nay, ở mỗi nhà trường đã có Ban Đại diện Cha mẹ học sinh để cùng phối hợp, nhưng như vậy chưa đủ. Từng phụ huynh phải quan tâm, dành thời gian nhiều hơn cho con; giáo dục con bắt đầu từ gia đình và cần thường xuyên nắm được các hoạt động của con, diễn biến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của con. Rất mong các gia đình chia sẻ để phối hợp tốt hơn với nhà trường để giáo dục con em trưởng thành.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.