Cấp tốc xử lý sự cố nứt đê Hữu Hồng do thi công Nhà máy nước mặt sông Hồng

GD&TĐ - Chiều 14/5, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đi kiểm tra sự cố nứt đê Hữu Hồng.

Báo cáo tình hình thực tế, ông Vũ Hồng Trường, Phó tổng giám đốc Công ty CP nước mặt sông Hồng cho biết: Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã ngừng thi công và khẩn trương triển khai giải pháp khắc phục sự cố tạm thời, qua theo dõi hiện tượng nứt đê đã không bị nặng thêm.

Hiện nay, công ty đang xây dựng phương án cấp tốc bảo đảm an toàn cho khu vực đê trong mùa mưa lũ năm 2021, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thi công. Đồng thời, Công ty sẽ thuê đơn vị tư vấn lập phương án xử lý triệt để, đảm bảo an toàn tuyến đê.

Đoàn kiểm tra khu vực mặt đê bị sạt lở.

Đoàn kiểm tra khu vực mặt đê bị sạt lở.

Trước đó, ngày 30/4, Hạt Quản lý đê Đan Phượng kiểm tra phát hiện sự cố nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang cơ đê bê tông 5m phía thượng lưu, tương ứng đoạn K46+160 đê hữu Hồng.

Vết nứt dọc đường hành lang cơ đê phía thượng lưu dài 25,8m, rộng 0,5-4cm. Trên mặt đê cũng xuất hiện vết nứt dài 27m, rộng vết nứt 1-3cm, nứt dọc hành lang phía thượng lưu dài 25,8m, chiều rộng vết nứt từ 0,5-4cm và tiếp tục có xu hướng phát triển mở rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyến - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, Sở NN & PTNT đã khẩn trương chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Hạt Quản lý đê Đan Phượng phối hợp với Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng (Chủ đầu tư), UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Hà và các đơn vị liên quan tổ chức cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện đi vào khu vực sự cố để đảm bảo an toàn.

 Các đơn vị đã khẩn trương lắp đặt hệ thống quan trắc, tổ chức theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến sự cố và báo cáo kịp thời về Sở NN&PTNT. Bên cạnh đó, chủ động làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát, đánh giá nguyên nhân, xác định giải pháp xử lý giờ đầu, khắc phục kịp thời sự cố để đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ 2021, cũng như lập phương án xử lý dứt điểm sự cố, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê và các công trình lân cận…

Đánh giá sơ bộ nguyên nhân cho thấy, tại khu vực xảy ra sự cố trên Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án Xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng. Việc thi công hố móng đã làm mất ổn định của mái đê, dẫn đến việc nứt đê.

Để hạn chế mở rộng sự cố, bảo đảm an toàn tuyến đê, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng đặt biển báo sự cố; tổ chức phân luồng giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực sự cố; Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng dừng thi công hố móng trạm bơm nước thô, theo dõi, tính toán giải pháp xử lý sự cố về đê điều trên…

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp Hạt quản lý đê kiểm tra, thực hiện việc thi công khắc phục sự cố ban đầu. Huyện đã lắp đặt biển cảnh báo, ngăn không cho xe trọng tải lớn đi qua, lắp đặt hệ thống quan trắc, theo dõi sát tình hình, diễn biến của sự cố để chủ động xử lý kịp thời.

Họp bàn khắc phục sự cố nứt đê Hữu Hồng

Họp bàn khắc phục sự cố nứt đê Hữu Hồng

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, các quy trình liên quan đến việc cấp phép của Thành phố đảm bảo đúng các quy định. Trước sự cố này, Thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho các sở ngành phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai khắc phục triệt để và hiệu quả.

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền giao UBND huyện Đan Phượng và các xã trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị chức năng như: công an, thanh tra giao thông, UBND xã Liên Hà… phối hợp các đơn vị có liên quan cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện vào khu vực sự cố đê để đảm bảo an toàn. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và trong trường hợp có tình huống xấu xảy ra thì phải có những biện pháp phòng tránh từ xa, xử lý kịp thời.

Đối với Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng chống thiên tai, chỉ đạo chủ đầu tư, Nhà máy nước mặt sông Hồng và các cơ quan liên quan để kiểm tra rà soát, đánh giá rõ nguyên nhân. Từ đó, đưa ra giải pháp xử lý triệt để các sự cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đê điều. “Đây là tuyến đê cấp 1 và nằm ngay cạnh khu vực trung tâm Thủ đô nên không cho phép bất kỳ một điều gì có thể sơ sểnh mà phải tuyệt đối an toàn”

Ông Quyền cũng đồng ý đề xuất của Sở NN&PTNT về việc rà soát, đánh giá lại sự cố, nếu thấy cần thiết, Sở có thể thuê một đơn vị tư vấn độc lập để có đánh giá lại phương án đề xuất xử lý của Nhà máy nước mặt sông Hồng, đảm bảo tính khả thi, bền vững cho công trình đê điều.

Về phía chủ đầu tư là Nhà máy nước mặt sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu tạm dừng thi công. Xây dựng phương án thay đổi để triển khai các hạng mục khác phù hợp hơn, cố gắng cấp nước cho người dân theo đúng tiến độ quy định. Chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng như UBND thành phố. Trong việc phòng chống lũ lụt, chủ đầu tư phải chuẩn bị các phương án với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị khác khi có tình huống xấu xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ