Cần quy hoạch lại giáo dục nghề nghiệp đúng hướng

GD&TĐ - Nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam... đã tính chuyện tinh gọn mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quy hoạch mạng lưới GDNN không quá khó khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Quy hoạch mạng lưới GDNN không quá khó khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Một số nơi đã sáp nhập các trường lại với nhau. Theo chuyên gia, quy hoạch không chỉ là câu chuyện sáp nhập hay giải thể.

Sắp xếp lại mạng lưới để khắc phục yếu kém

Đánh giá chung về hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) chỉ ra: Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Nhiều chương trình được đầu tư nhưng thiếu tính kế thừa. Chương trình thuộc nhiều dự án dạy nghề thiếu phát triển nhân rộng. Thậm chí, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư rất lớn, thiết bị hiện đại nhưng không phù hợp hoặc không tuyển sinh được…

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những bất cập trên chính là công tác quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cơ chế phối hợp công - tư trong giáo dục nghề nghiệp cũng chưa thật rõ ràng và thiếu định hướng chiến lược. Vì vậy, việc quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở cùng ngành nghề đào tạo là giải pháp quan trọng khắc phục những yếu kém” - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm, quy hoạch cần có mục tiêu, không chỉ là sáp nhập hay giải thể, mà phải quy hoạch cả ngành nghề đào tạo. Trước khi sáp nhập cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường. Sau khi sáp nhập, cần tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo, sử dụng nguồn lực hậu sáp nhập... tránh thất thoát lãng phí do tham nhũng trục lợi.

Để công tác quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp mang lại hiệu quả, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu kiến nghị Ban Bí thư có một Chỉ thị riêng về quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng từ Trung ương đến địa phương và các Bộ, ngành.

Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sáp nhập, giải thể hoặc thành lập mới. Nên dựa theo các tiêu chuẩn chất lượng, hiệu quả và tiêu chuẩn về cơ hội học nghề của thanh niên, người thất nghiệp. Đối với những vùng khó khăn cần chú ý khi xây dựng tiêu chuẩn đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp.

Cần có phương án xử lý về con người, nhất là tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý ở trường sau khi sáp nhập. Bởi hậu sáp nhập sẽ là trường đa ngành nghề, nhưng hiệu trưởng chỉ có thể quán xuyến được và có thế mạnh ở vài ngành nghề đào tạo nào đó. Vì vậy, hiệu trưởng sẽ rất khó khăn xử lý nhiều vấn đề mang tính chuyên môn về quản lý học tập, chương trình, thiết kế cơ cấu bộ máy, ổn định tổ chức... và cơ sở vật chất sau khi quy hoạch. Đó là chưa kể đến quy mô và tầm quản lý phải lớn hơn so với trước đây.

Ngoài ra, cần hình thành mới và củng cố các trường cao đẳng cộng đồng. Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi người qua việc cung cấp các khóa học mềm dẻo, mở suốt đời, từ vài ba ngày cho đến 3 - 6 tháng, 1 - 2 năm.

Mở mới, đồng thời đóng cửa một số chương trình đào tạo có sự chồng chéo. Cần ưu tiên dành cho các trường ngoài công lập đào tạo những ngành mà họ làm được. Các trường công lập tập trung vào những ngành chất lượng cao mà các trường tư không đầu tư, hoặc đào tạo theo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu ưu tiên cao nhất.

Phân định rõ cấu trúc từng loại chương trình

Ông Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc phát triển nguồn nhân lực Bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Havard, cho rằng: Giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là những phần cốt lõi trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cấp quốc gia. Vì vậy, vùng hay địa phương, cần phải được cấu trúc hợp lý thì mới mong mang lại hiệu quả.

Hiện nay, cấu trúc và vận hành giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đang bị lủng củng, chồng chéo, kém hiệu quả, cần phải được sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Điển hình là loại hình trường cao đẳng, tuy có phân cấp chương trình, nhưng phải là một phần của hệ giáo dục đại học thay vì phân theo hệ nghề.

Ngoài ra, hệ và chương trình đào tạo nghề có thể từ 3 tháng cho đến 2 năm, đào tạo từ trình độ cấp I đến tốt nghiệp trung học phổ thông. Song song với việc tổ chức phân luồng sau trung học cơ sở theo hệ trung học nghề. Một khi đã phân định rõ cấu trúc từng loại chương trình sẽ không còn bị lúng túng trong việc quy hoạch.

Nêu ra các giải pháp trong vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia Trần Đức Cảnh cho rằng, trong quá trình chuyển đổi, ít nhiều cũng sẽ có sự xung đột về tư duy, cách nhìn, văn hóa tổ chức và không loại trừ quyền lợi nhóm… Quan trọng là những nhà quản lý nhìn được mục đích và hướng đi, như vậy mới thuyết phục xã hội được.

Đồng thời, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nên theo hướng mở và lấy hiệu quả đào tạo làm mục tiêu. Sự tham gia và hợp tác của doanh nghiệp địa phương cho loại hình trường nghề từ khâu thiết kế chương trình đến tiêu chí và chất lượng đào tạo cho từng loại ngành nghề là vô cùng cần thiết.

Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phát triển công nghệ trong giai đoạn mới, các chương trình giáo dục và đào tạo ngày nay cần đa dạng, linh hoạt và phong phú hơn mới thu hút được người học và mang lại hiệu quả.

“Theo tôi, việc tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới không phải là điều quá khó, một khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp cho công việc đào tạo. Bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình đào tạo. Phần còn lại là tổ chức quản lý hiệu quả. Cụ thể thế nào thì mỗi địa phương tự sắp xếp nguồn lực và thời gian thực hiện, không nên quá máy móc các chương trình đào tạo nghề. Quan trọng là xây dựng trách nhiệm, gồm trách nhiệm giải trình, và tính minh bạch trong cơ sở trường nghề” - ông Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ