Cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm

GD&TĐ - Trước thông tin hàng nghìn thí sinh ở Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn - kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ đáng tiếc về “sự cố” này, đồng thời đề nghị địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý nghiêm minh, không né tránh và đùn đẩy trách nhiệm.

Đại biểu Trương Minh Hoàng
Đại biểu Trương Minh Hoàng

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau): Sai một ly, đi một dặm

Sai sót này, trước hết thuộc về trách nhiệm của ngành GD địa phương. Theo đó, họ sẽ phải có giải pháp thỏa đáng để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho thí sinh. Khi đã xảy ra sai sót là phải xử lý đến nơi đến chốn và xử lý thật nghiêm. Quan điểm là phải giải quyết nhanh, sai đến đâu xử lý đến đó và thông tin cần được công khai, minh bạch. Tôi cho rằng, đây là bài học rất “đắt” để địa phương làm tốt hơn trong khâu tổ chức thi cử sau này.

Rõ ràng là “sai một ly, đi một dặm”, khi tổ chức lại sẽ kéo theo biết bao hệ lụy như: Xáo trộn về tâm lý của thí sinh và phụ huynh, hoang mang, lo lắng; đấy là chưa kể sự tốn kém cả nhân lực, vật lực và tiền bạc khi mà các điểm thi hoạt động trở lại. Về phương án tổ chức thi lại môn Ngữ văn cho thí sinh, tôi cho rằng nên lấy quyền lợi của thí sinh làm trọng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình): Có trách nhiệm của người phụ trách lĩnh vực này 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Theo thông tin, đề thi môn Ngữ văn - kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Quảng Bình có khoảng 80% nội dung đề thi tương đồng với đề thi học kỳ 2 lớp 9 của Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới. Ngoài ra, giám thị đã ký nhầm vị trí trên giấy thi; đây là 2 nguyên nhân chính để địa phương này quyết định tổ chức thi lại môn Ngữ văn cho các thí sinh. Tôi cho rằng, đây là sự việc rất đáng tiếc mặc dù nó ngoài mong muốn của Sở GD&ĐT địa phương và các thầy cô giáo, phụ huynh và HS.

Ngành GD tỉnh Quảng Bình cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm trách nhiệm những người có liên quan. Đây cũng là bài học cho địa phương trong quá trình tổ chức, nhất là khâu ra đề. Theo đó, cần chọn những người có năng lực, có kinh nghiệm và trách nhiệm cao trong công việc. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ, từ khâu thiết kế đề thi cho đến in sao.

Về việc giám thị ký nhầm vị trí trên giấy thi, tôi cho rằng đây là lỗi chủ quan. Qua đây cho thấy, việc tập huấn quán triệt quy chế thi cho giám thị không bao giờ là thừa. Qua sự việc này, cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó có trách nhiệm của người phụ trách lĩnh vực này và sai đến đâu xử lý đến đấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ