Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Xã hội có niềm tin vào ngành Giáo dục

GD&TĐ - Nếu nhìn cả nhiệm kỳ vừa qua sẽ thấy sự thay đổi lớn, xã hội có niềm tin vào ngành Giáo dục. 5 năm qua, toàn ngành đã khắc phục được nhiều nhược điểm, tạo đà để phát triển bền vững. - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GD&ĐT – sáng 28/8.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Đại hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Đại hội.

Phối hợp chặt chẽ để tạo sự cộng hưởng tốt

Bộ trưởng cho biết, nhìn lại 5 năm cho thấy có nhiều chuyển biến, thay đổi rõ nét, điển hình như:

Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, thể hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD- ĐT và Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức cán bộ đã được thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm được 25 đầu mối cấp phòng. Bộ GD&ĐT là một trong 2 Bộ không có phòng trong Vụ, và là một trong những Bộ tiên phong sắp xếp theo hướng tinh gọn. Cùng với đó là sắp xếp cán bộ một cách căn cơ.

Ngoài ra, còn có sự thay đổi rõ nét trong công tác sinh hoạt, lề lối làm việc. Các chi, đảng bộ đã quan tâm nhiều hơn đến nội dung sinh hoạt hoạt Đảng, trong đó tập trung thảo luận sâu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, công tác quán triệt các nghị quyết của Đảng cần gắn chặt chẽ, sâu sắc hơn nữa với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, để các nghị quyết phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn của đơn vị.

Về cơ bản, công tác cán bộ đã chuyển biến tốt, nhưng công tác đánh giá, sắp xếp cán bộ theo đề án vị trí việc làm đâu đó còn chưa thực chất.

Theo Bộ trưởng, tới đây, việc đánh giá cán bộ cần tiếp tục được thực hiện trung thực, khách quan hơn nữa, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chi, đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Công tác phối hợp giữa Đảng ủy Bộ với Ban Cán sự Đảng cần chặt chẽ hơn nữa, để thực sự tạo ra cộng hưởng trong thực hiện nhiệm vụ.

5 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ GD&ĐT đã góp phần vào thành công chung của ngành.

Xã hội có niềm tin vào ngành Giáo dục. Ảnh minh họa/internet
Xã hội có niềm tin vào ngành Giáo dục. Ảnh minh họa/internet

Mỗi năm có điểm nhấn khác nhau

Toàn ngành xác định 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản và 5 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện. Mỗi năm có điểm nhấn khác nhau, tạo sự thống nhất, ổn định. Trong đó, có một số điểm nổi bật như:

Đối với giáo dục mầm non, năm 2017 đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, từng bước hoàn thiện giáo dục mầm non theo hướng gọn nhẹ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Giáo dục phổ thông đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học và được xã hội ghi nhận.

Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành hàng loạt các hướng dẫn để địa phương triển khai, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cũng là một trong những điểm sáng… Trong 5 năm qua, giáo dục phổ thông đã tích cực thực hiện đổi mới về đánh giá học sinh, đổi mới thi cử và đã đạt kết quả tốt. Giáo dục đại trà tiếp tục được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tăng cao.

Đối với giáo dục đại học có nhiều đột phá, điểm nhấn là tự chủ đại học. Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới, công tác tuyển sinh dần đi vào ổn định.

Nếu nhìn cả nhiệm kỳ vừa qua sẽ thấy sự thay đổi lớn; xã hội có niềm tin vào ngành Giáo dục. 5 năm qua, ngành Giáo dục đã khắc phục được nhiều nhược điểm và tạo đà để phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, khó khăn trước mắt vẫn còn, tác động của dịch Covid -19 sẽ có những hệ lụy tới ngành. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Giáo dục nói chung và Đảng bộ Bộ GD&ĐT nói riêng, cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời bám sát vào thực tế của ngành, của đất nước để có những dự báo trước tình hình, từ đó xây dựng phương hướng, mục tiêu phù hợp với thực tế, tạo sự đồng điệu với thực tiễn khách quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ