Thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Dấu hiệu cảnh báo

GD&TĐ - Nhiều người trẻ hạn chế dùng rau xanh, hoa quả, nước lọc,… thậm chí ngồi sai tư thế, hoặc sử dụng thiết bị điện tử khi ăn.

Việc mọi người sử dụng điện thoại di động trong khi ăn là phổ biến nhưng để lại nhiều tác hại đến cơ thể. Ảnh minh họa: ITN
Việc mọi người sử dụng điện thoại di động trong khi ăn là phổ biến nhưng để lại nhiều tác hại đến cơ thể. Ảnh minh họa: ITN

Nhiều người trẻ hạn chế dùng rau xanh, hoa quả, nước lọc,… thậm chí ngồi sai tư thế, hoặc sử dụng thiết bị điện tử khi ăn. Đây là những thói quen sinh hoạt không tốt ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, có thể gây táo bón, đầy bụng khó tiêu hoặc đau dạ dày.

Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ

Đầy bụng, khó tiêu là chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây có thể là tình trạng tạm thời do thói quen ăn uống gây ra nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa khác. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý với các biểu hiện bệnh của con để có biện pháp điều trị kịp thời.

Ăn không tiêu không phải là một bệnh lý cụ thể, mà đôi khi nó chỉ là triệu chứng của một vấn đề y tế nào đó. Tuy nhiên, ở hầu hết các triệu chứng ăn không tiêu thường được cải thiện đáng kể sau khi người bệnh có sự thay đổi về lối sống và dùng thuốc. Đối với một số trường hợp nghiêm trọng, có thể là dấu hiệu cảnh báo về bệnh tiêu hóa tiềm ẩn, lúc này cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời.

Triệu chứng khó tiêu thường xuất hiện trong vài phút cho đến vài giờ sau bữa ăn. Thực tế, dạ dày cần từ 3 – 5 giờ đồng hồ để tiêu hóa hoàn toàn các thực phẩm đã tiêu thụ, sau đó mới chuyển xuống ruột.

Trong thời gian đó, tuyến tụy cùng với túi mật sẽ tiết dịch và enzym đến dạ dày để hỗ trợ cho hoạt động này. Đây là những cơ quan thuộc vùng thượng vị – là nơi thường xuyên xảy ra các triệu chứng không tiêu, khó tiêu.

Bác sĩ Lê Minh Hưng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, đầy bụng khó tiêu là cảm giác bụng bị trương phình, căng tức sau khi ăn. Đây là một dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, không phân biệt già trẻ, giới tính,…

Cơ thể khi tiếp nhận quá nhiều thức ăn, đặc biệt là các loại thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ sẽ cản trở quá trình chuyển hóa thực phẩm của hệ tiêu hóa, gây ra sự tích tụ khí trong bụng, dẫn đến hiện tượng đầy bụng khó tiêu, đôi khi đi kèm những cơn đau âm ỉ cho người bệnh.

“Đầy bụng, khó tiêu được xem là triệu chứng rối loạn tiêu hóa tạm thời do cách ăn uống hoặc chất lượng thực phẩm gây nên, có thể khỏi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể là triệu chứng của viêm loét dạ dày, hẹp môn vị dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích…”, bác sĩ Hưng cho hay.

Theo bác sĩ Hưng, cha mẹ cần nắm được các biểu hiện thường thấy khi trẻ đầy bụng, đầy hơi và khó tiêu. Thông thường, trẻ có thể có một trong các triệu chứng như: Sau khi ăn từ 1 - 2 giờ, bụng của trẻ vẫn căng tròn, đầy hơi. Khi vỗ nhẹ vào bụng của trẻ sẽ thấy phát ra âm thanh như tiếng trống.

Trẻ có thể bị đau bụng râm ran hoặc có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn mửa. Trẻ bị xì hơi nhiều lần, đại tiện phân lỏng hoặc sền sệt, có khi bị táo bón. Trẻ có thể khó ngủ về đêm, có khi quấy khóc do đau bụng ấm ách.

“Khi con có dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, cha mẹ thường bối rối mà quên mất việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh cho trẻ là gì. Bởi chỉ khi biết nguyên nhân, bạn mới có thể tìm giải pháp để điều trị việc em bé bị đầy bụng khó tiêu nhanh hơn và hiệu quả hơn”, BS Lê Minh Hưng chia sẻ và nói thêm, rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng khó tiêu, đầy bụng.

Trong đó có thói quen ăn uống thiếu khoa học. Đây được đánh giá là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, dầu mỡ; ăn quá no, quá nhanh,… sẽ khiến hệ tiêu hóa của chúng quá tải, nhiều áp lực và cuối cùng sẽ dẫn tới tình trạng chướng bụng, chậm tiêu.

Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị, nhất là thuốc chống viêm hay có chứa nitrat, có tác dụng chữa bệnh hiệu quả nhưng đồng thời nó cũng có thể mang đến tác dụng phụ là gây ra tình trạng chậm tiêu, đầy bụng ở trẻ.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân phổ biến gây chậm tiêu, đầy bụng cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh này, axit và dịch vị trong dạ dày sẽ bị đi ngược lên thực quản, dẫn tới tình trạng ợ nóng, nôn…

Dấu hiệu đầy bụng, ăn uống không tiêu cũng dễ dàng xảy ra ở những trẻ em bị béo phì. Nguyên nhân vì thừa cân, béo phì sẽ khiến vùng bụng của bé bị áp lực nhiều hơn và tăng nguy cơ axit trào ngược lên thực quản, từ đó gây trào ngược dạ dày thực quản.

“Nếu trẻ thường xuyên gặp áp lực, căng thẳng trong học tập, thi cử hoặc cuộc sống hàng ngày thì có thể làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường ruột. Hơn nữa, chế độ ăn của trẻ không được đảm bảo vệ sinh, trẻ có nguy cơ bị tấn công bởi vi khuẩn HP.

Đây là loại khuẩn bệnh có thể gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ. Hoặc cũng có thể do một số nguyên nhân khác như tình trạng thiếu ngủ, thói quen ăn đêm, dùng đồ uống có chứa cafein, hay ăn các loại hải sản,…”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh để giảm triệu chứng đầy bụng, ăn không tiêu. Ảnh minh họa: ITN

Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh để giảm triệu chứng đầy bụng, ăn không tiêu. Ảnh minh họa: ITN

Cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà

Việc ngồi ăn không đúng tư thế là hành động hết sức có hại cho hệ tiêu hóa và quá trình tiêu hóa thức ăn. Dáng ngồi sai không những gây chèn ép các mạch máu, cản trở hoạt động của hệ thần kinh và chức năng tim mạch mà còn tạo ra một áp lực rất lớn lên khoang bụng, khiến việc tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn. Về lâu về dài, không chỉ dạ dày mà các cơ quan khác của hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng. Để tránh cản trở và tác động xấu đến chức năng tiêu hóa của cơ thể, cần chú ý đến tư thế ngồi khi dùng bữa. Hãy tập cách ngồi thẳng lưng để không gây lực đè lên các cơ quan tiêu hóa, tốt nhất nên ngồi vòng chân (xếp chân bằng tròn) khi ăn.

ThS Lê Tuyết Mai, điều dưỡng viên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyên rằng, người bệnh đầy bụng khó tiêu do sinh lý có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản để làm giảm triệu chứng tại nhà.

Theo đó, có thể dùng khăn ấm chườm nhẹ lên vùng bụng trên rốn, kết hợp massage nhẹ nhàng để giúp giảm bớt cảm giác căng tức và đau bụng. Tư thế nằm kê gối cao nửa người giúp cổ họng được nâng cao hơn, từ đó hạn chế tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Ngoài ra, vận động nhẹ nhàng giúp giảm bớt khí tích tụ trong hệ tiêu hóa và tình trạng đầy bụng khó tiêu.

Tuy nhiên, trong trường hợp không thuyên giảm, rất có khả năng đây là triệu chứng của một bệnh lý tiêu hóa khác. Người bệnh cần nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng điều trị kịp thời nếu thấy một số dấu hiệu ở trẻ như tình trạng chậm tiêu kéo dài hơn hai tuần và thường xuyên xảy ra sau các bữa ăn với các triệu chứng: Trẻ bị đau bụng nghiêm trọng; chán ăn và sụt cân; khó nuốt thức ăn; đổ mồ hôi nhiều, kèm theo khó thở; hay nôn và thậm chí có lẫn máu trong chất nôn hoặc trong phân của trẻ có lẫn máu.

“Không có cách phòng ngừa đầy bụng khó tiêu hoàn toàn, biện pháp hiệu quả nhất là xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp thói quen ăn uống khoa học, đặc biệt là với học sinh, cha mẹ cần lưu ý cho các con”, ThS Lê Tuyết Mai chia sẻ.

Nên hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, quá nhiều gia vị và dễ kích thích dạ dày. Ăn uống chậm rãi, hạn chế tối đa việc nuốt vội, không nhai kỹ thức ăn. Tăng lượng chất xơ, rau xanh trong mỗi bữa ăn. Uống đủ nước mỗi ngày. Không ăn những thực phẩm có các thành phần mà cơ thể dị ứng. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để giảm tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của cơ thể.

Người đang điều trị đầy hơi chướng bụng khi đã xác định được nguyên nhân do viêm dạ dày, cần ăn thức ăn mềm, tốt nhất là cháo, bánh mì, súp…; không uống rượu, bia, hạn chế tối đa dùng gia vị kích thích niêm mạc đường tiêu hóa như ớt, chanh…; Trẻ em nên ăn đúng bữa, không ăn no quá, ăn xong nên ngồi giải lao không nên nằm ngay nhất là đầy hơi chướng bụng do bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Theo bác sĩ Lê Minh Hưng, ăn không tiêu có thể gặp ở khoảng 20% dân số trên thế giới. Phần lớn người có chứng khó tiêu không cần đến bác sĩ để thăm khám. Mặc dù, chứng khó tiêu không ảnh hưởng tới tuổi thọ, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống.

Người bệnh không nên nghe theo những lời mách bảo không có chuyên môn về y khoa hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho người bệnh, đặc biệt là làm cho bệnh ngày một trầm trọng thêm, nhất là với trẻ nhỏ.

Sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ khác trong bữa ăn là việc mà rất nhiều người trong số chúng ta vẫn thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên, thói quen tưởng chừng vô hại này lại cực kì nguy hiểm cho hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe con người nói chung. Chú ý vào điện thoại khi ăn vô tình khiến bạn không tập trung vào bữa ăn, không nhai kĩ thức ăn, dễ gây đau dạ dày.

Mặt khác, bạn cũng sẽ không kiểm soát được lượng thức ăn mình nạp vào, thậm chí là vẫn tiếp tục ăn trong vô thức dù đã no. Ngoài ra, ăn lẫn lộn cả thức ăn nóng và lạnh cùng một lúc là hành động không tốt cho dạ dày chút nào. Không chỉ dễ gây ra các vấn đề như đau bụng, tiêu chảy, thói quen ăn uống này còn làm tổn thương, khiến dạ dày co thắt nhiều và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn của cơ quan này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.