Theo các tác giả, quần thể động vật của gần 200 loài (70%) lớn nhất thế giới đang giảm dần và hơn 150 loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn. Mối đe dọa chính trong hầu hết các trường hợp này được nhận định là từ thói quen ăn thịt của con người.
William Ripple - Giáo sư sinh thái học từ Trường Nông nghiệp thuộc ĐH bang Oregon (Hoa Kỳ), cho biết: “Săn bắt trực tiếp để lấy thịt là mối nguy hiểm lớn nhất đối với phần lớn các loài động vật khổng lồ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy loài người đang trong quá trình ăn tới tuyệt chủng các loài megafauna”.
Megafauna là thuật ngữ sinh học rộng có thể áp dụng lên bất cứ loài động vật lớn nào, từ cá tuyết Australia mập mạp tới loài khủng long T-Rex đã tuyệt chủng từ lâu.
Để thu hẹp khái niệm trong nghiên cứu mới của nhóm, GS Ripple và đồng nghiệp đã tái định nghĩa megafauna là những loài động vật có xương sống chưa tuyệt chủng, có trọng lượng lớn hơn ngưỡng nhất định.
Đối với các loài động vật có vú, lớp cá vây và cá sụn (như cá mập và cá voi), bất cứ loài nào nặng hơn hơn 100kg đều được tính là megafauna. Đối với động vật lưỡng cư, chim và thằn lằn, những loài nặng hơn 40kg được tính là megafauna.
Từ đó, các nhà nghiên cứu có một danh sách gồm 292 loài động vật ngoại cỡ. Trong đó gồm nhiều loài quen thuộc như voi, tê giác, rùa khổng lồ, cá voi… cũng như một số loài mới như kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc - loài lưỡng cư trong tình trạng cực kỳ nguy cấp trước nguy cơ tuyệt chủng với cân nặng lên tới 65,5kg.
Tiếp đó, sử dụng Danh sách Đỏ của IUCN - cơ sở dữ liệu quốc tế sử dụng để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hơn 60.000 loài, các nhà nghiên cứu xác định mức độ đe dọa đối với mỗi loài trong số 292 loài megafauna. Họ phát hiện 70% mẫu megafauna của họ có dấu hiệu quần thể bị sụt giảm và 59% đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn.
Điều này cho thấy, megafauna dễ bị tổn thương hơn nhiều khi so với tổng thể các loài có xương sống nói chung, với 21% các loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và 46% có quần thể bị suy giảm.
Khi con người trở nên giỏi hơn trong việc giết chóc từ xa trong vài trăm năm quá, các loài megafauna bắt đầu chết ở tốc độ nhanh hơn. Kể từ những năm 1760, 9 loài megafauna đã tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên bởi sự săn bắt quá mức và xâm lấn môi trường sống của con người.
Ngày nay, hầu hết các loài động vật khổng lồ bị đe dọa phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đến từ loài người, trong đó bao gồm ô nhiễm, biến đổi khí hậu và phát triển đất đai. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, mối đe dọa lớn nhất vẫn là bị săn bắt để lấy thịt hoặc các bộ phận cơ thể bởi con người.
“Thịt là động lực phổ biến nhất của con người trong việc săn bắt các loài megafauna trừ lớp bò sát. Trứng của chúng được đưa lên làm ưu tiên hàng đầu. Lý do hàng đầu khác của con người cho việc săn bắt là sử dụng làm thuốc, khai thác ngoài ý muốn trong nghề cá và đánh bẫy, buôn bán trực tiếp và nhiều nhu cầu ứng dụng ở một số bộ phận cơ thể như da và vây của chúng”, các nhà nghiên cứu phân tích.
Theo các nhà nghiên cứu, thiết lập rào cản pháp lý để hạn chế việc buôn bán và thu gom những sản phẩm từ việc săn bắt megafauna là hành động thiết yếu để làm chậm tiến trình tuyệt chủng hàng loạt các loài động vật này.