Thoát nghèo nhờ trồng rừng

GD&TĐ - Để xóa đói, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã khuyến khích cán bộ, nhân dân trong xã phát triển rừng kinh tế để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Các xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Tân Hương (Yên Bình, Yên Bái) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Các xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Tân Hương (Yên Bình, Yên Bái) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trước đây, gia đình chị Lý Thị Tươi, thôn Khe Mạ, xã Tân Hương thuộc diện hộ nghèo do quỹ đất sản xuất cây lương thực của gia đình ít. Vài sào ruộng thường xuyên thiếu nước nên năng suất lúa hằng năm thu đạt thấp, cuộc sống gia đình chị Tươi gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, được Đảng ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc làm kinh tế vườn rừng, gia đình chị Tươi đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình để mua cây giống và bắt tay vào làm kinh tế vườn rừng. Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay gia đình chị đã có trên 1ha rừng trồng với các giống cây keo, bạch đàn. Đến kỳ khai thác, 1ha rừng trồng của gia đình chị Tươi có trữ lượng khoảng 90m3 gỗ, bán được trên 80 triệu đồng. Nhờ tích cực trồng rừng kinh tế, gia đình chị đã thoát khỏi diện hộ nghèo của xã. Chị Tươi chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi sẽ tích cực chăm sóc tốt và khai thác hiệu quả diện tích rừng hiện có của gia đình”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, xã Tân Hương còn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển cơ sở chế biến lâm sản. Hiện nay toàn xã có 20 cơ sở sản xuất ván bóc và xẻ gỗ thanh nan, các cơ sở này đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương.

Gia đình anh Trần Văn Hòa thôn Khe Gầy là một trong những hộ điển hình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua 4 máy sản xuất gỗ thanh nan, 2 máy sản xuất gỗ ván bóc, đã tạo được việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Hòa cho biết: “Sau khi mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, thu nhập tăng dần lên, cuộc sống của gia đình tôi đã được cải thiện. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm máy móc để mở rộng xưởng, tạo điều kiện cho bà con nơi đây tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Ông Tạ Minh Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Là địa bàn có nhiều diện tích đất đồi, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi chính. Xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: keo, bồ đề, bạch đàn, quế... vào sản xuất. Những loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ từ 5 năm đến 6 năm tuổi là có thể khai thác dược. Từ việc tích cực phát triển rừng trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã không chỉ có thu nhập ổn định mà đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn xã có 2.700ha rừng trồng các loại, riêng năm 2017, nhân dân trong xã đã trồng rừng mới đạt trên 220ha và khai thác gỗ rừng trồng đạt 11.150m3. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp với trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế nên thu nhập của nhân dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm.

Ông Tạ Minh Nhất cho biết: “Những năm trước đây, chưa thực hiện việc phát triển kinh tế rừng, đời sống của nhân dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn. Ba năm nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về phát triển rừng trồng, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ không chỉ xóa được đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 18%...”.

Theo ông Tạ Minh Nhất, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hương tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng trồng hiệu quả. Thực hiện tốt việc tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng đi đôi với trồng rừng mới bù lại diện tích đã khai thác nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế rừng bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.