Người ta nói yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ
Người ta nói chia ly, nói những lời đổ vỡ
Cỏ lắng lòng nghe hết -
Thản nhiên xanh…
Người ta cuốc cỏ lên, người ta trồng cỏ xuống
Hết thảy nỗi bi quan, hết thảy niềm hy vọng
Cỏ nhận mình đau đó -
Thản nhiên xanh…
Lịch sử đi qua những vương triều vong thịnh
Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính
Cỏ công bằng, nhân ái -
Thản nhiên xanh…
Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều
hạnh phúc
Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt
Cỏ nhận mình thấp bé –
Thản nhiên xanh…
Lời bình của Phan Xuân Hậu
Không ai hoàn toàn yêu cỏ và cũng không ai hoàn toàn ghét cỏ. Trong thơ Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời” làm cho người ta có cảm giác nhỏ bé trước bất tận vô biên của thiên nhiên đất trời thông qua màu xanh của cỏ.
Còn trong văn của Nguyễn Đình Chiểu: “Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ” thì cỏ là hiện thân của một thế lực đáng phải loại trừ.
Nhiều nhà thơ danh tiếng và cả những nhà thơ còn ít người biết đến đều đã dành ít hoặc nhiều dòng viết về cỏ. Cỏ nhỏ nhoi từng sợi mà dệt nên những bức tranh thiên nhiên vĩ đại, làm nên những bài thơ mãi mãi trường tồn.
Trương Nam Hương cũng như nhiều nhà thơ khác đã có một bài thơ ấn tượng có tên: “Thoáng nghĩ về cỏ”.
Người ta yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ
Người ta chia ly, nói những lời đổ vỡ
Cỏ lắng lòng nghe hết -
Thản nhiên xanh…
Cỏ ở đây không xanh bất tận và cũng không đáng ghét mà là một người bạn chứng kiến, chia sẻ những vui buồn với con người. Yêu nhau, ngồi tâm sự và hôn nhau trên bãi cỏ. Rồi nói lời chia tay trên bãi cỏ. Cỏ lắng lòng nghe hết thản nhiên xanh.
Rõ ràng, cỏ đã thành một người bạn chí tình, chung thủy rất đỗi gần gũi tin tưởng của con người với những mối tình đến và đi.
Khi người ta đào cỏ đi để trồng cỏ mới. Cỏ không còn là một vật vô tri vô giác mà là biểu tượng của những nỗi bi quan và niềm hy vọng. Cỏ đau lòng chứng kiến những vui buồn của con người:
Người ta cuốc cỏ lên, người ta đào cỏ xuống
Hết thảy nỗi bi quan, hết thảy niềm hy vọng
Cỏ lắng lòng nghe hết -
Thản nhiên xanh…
Cỏ lại thêm một lần nhận phần thiệt thòi về mình: Đau lòng làm vật để con người trút lên những nỗi niềm.
Từ một loài cỏ chỉ biết nghe theo và chứng kiến nỗi buồn vui của con người thì khái quát hơn, cỏ là hiện thân của những sự kiện biến thiên của lịch sử:
Lịch sử đi qua bao vương triều vong thịnh
Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính
Cỏ công bằng, nhân ái -
Thản nhiên xanh…
Cỏ ở đoạn thơ này không chỉ là hiện thân của thời gian, mà còn là hiện thân của đất trời tạo hóa, công bằng bác ái như quy luật ngàn đời bất biến.
Cuối bài thơ, cỏ là một hiện thân của tình người cao đẹp, vừa gần gũi với con người, bạn và là đầy tớ trung thành của con người nhưng đồng thời cũng là một biểu tương cao cả thiêng liêng như đấng cao xanh sản sinh ra và nuôi dưỡng con người, thiên nhiên và vạn vật:
Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều
hạnh phúc
Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt
Cỏ nhận mình thấp bé -
Thản nhiên xanh.