Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm chiếm giữ một trong những hòn đảo của Hy Lạp bằng trực thăng và lực lượng đặc biệt là chủ đề thảo trên luận lý thuyết giữa các nhà phân tích quân sự.
Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch này gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro nghiêm trọng. Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng khả năng phòng thủ hiện tại của Hy Lạp khiến một hoạt động như vậy trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hòn đảo của Hy Lạp ở Biển Aegean được trang bị những hệ thống phòng không mạnh mẽ, bao gồm Patriot, S-300 và các tổ hợp tầm ngắn như Tor-M1 và ASRAD.
Những vũ khí này tạo ra một hàng rào bảo vệ mạnh mẽ khiến trực thăng dễ bị bắn hạ do là mục tiêu có tốc độ thấp và thiếu giáp bảo vệ.
Ngoài ra Hy Lạp còn có một trong những lực lượng không quân mạnh nhất khu vực. Các tiêm kích F-16 Viper, Rafale và Mirage 2000-5 được trang bị vũ khí công nghệ cao, bao gồm tên lửa Meteor và Exocet, không chỉ có khả năng kiểm soát không phận mà còn phản ứng nhanh trước mọi nỗ lực tấn công trên không hoặc trên biển.
Sự kết hợp giữa công nghệ và khả năng tác chiến của Không quân Hy Lạp khiến chiến dịch đổ bộ của Thổ Nhĩ Kỳ bị nhận xét khó có thể thành công.
Hải quân Hy Lạp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quần đảo. Các chiến hạm hiện đại như tàu khu trục FDI Belharra và MEKO hiện đại hóa sẽ tăng cường khả năng giám sát và phòng thủ khu vực Biển Aegean.
Ngoài ra trên các hòn đảo còn có sẵn vũ khí hiện đại, bao gồm hệ thống chống tăng, tên lửa phòng không vác vai (như Stinger) và pháo binh, binh sĩ cũng được chuẩn bị tốt để đẩy lùi các cuộc tấn công.
Một hoạt động chiếm đóng giả định hòn đảo của Hy Lạp sẽ cần sự hỗ trợ từ hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở quy mô đáng kể. Tuy nhiên lợi thế về mặt địa lý của Hy Lạp, bao gồm cả sự gần gũi của các đảo với lãnh thổ chính, khiến một chiến dịch như vậy trở nên khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các đơn vị đồn trú trên đảo và những lực lượng đặc biệt như MAK và ETA liên tục được huấn luyện để phản ứng nhanh chóng với mọi mối đe dọa tiềm tàng.
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh hành động mạnh bạo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra phản ứng ngay lập tức từ cộng đồng quốc tế. Các nước NATO, EU và Mỹ có thể sẽ lên án mạnh mẽ động thái như vậy.
Điều này có thể dẫn đến vô số lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ, cả về kinh tế và ngoại giao.
Kết quả là các nhà phân tích đi đến kết luận rằng một chiến dịch như vậy, mặc dù khả thi về mặt lý thuyết, nhưng lại cực kỳ khó xảy ra trên thực tế.
Sức mạnh quân sự của Hy Lạp, lợi thế về địa lý và phản ứng quốc tế khiến bất kỳ hành động gây hấn nào của Thổ Nhĩ Kỳ đều trở nên quá rủi ro và tốn kém. Những kịch bản như vậy vẫn chỉ là vấn đề tính toán lý thuyết hơn là mối đe dọa thực sự.