Thổ Nhĩ Kỳ không cần S-400 nữa?

GD&TĐ -Không cần công nghệ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phát triển thành công tổ hợp Siper - vũ khí đánh chặn được đánh giá tương đương với S-400 Nga.

Đạn tên lửa của tổ hợp Siper.
Đạn tên lửa của tổ hợp Siper.

Tờ Breaking Defense dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này không cần mua thêm hệ thống đánh chặn S-400 của Nga vì vũ khí tự sản xuất với công nghệ trong nước đã làm lu mờ khả năng của hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga.

Năng lực sản xuất quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chứng minh bằng sự ra đời của hàng loạt hệ thống chỉ huy phòng không và radar cảnh báo sớm, chẳng hạn như radar tầm xa ERALP, radar tầm thấp AIR, hệ thống chỉ huy và điều khiển phòng không HERIKKS, pháo phòng không tự hành Korkut, hệ thống đánh chặn tầm thấp Sungur, hệ thống phòng không tầm trung Hisar, hệ thống phòng thủ tầm xa Siper...

"Siper là minh chứng rõ nhất về việc làm chủ công nghệ phòng thủ của chúng tôi mà không cần dựa vào bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nước ngoài dù trước đây đã xuất hiện những tin đồn như vậy", ông Haluk Gorgun, Chủ tịch công ty quốc phòng Aselsan Elektronik Sanayi của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

Lãnh đạo của Aselsan cho biết thêm, những cuộc thử nghiệm với hệ thống Siper gần như đã hoàn tất, vũ khí này sẽ chính thức được đưa vào trang bị trong lực lượng phòng thủ Thổ Nhĩ Kỳ trước khi kết thúc năm 2023.

"Tổ hợp Siper tác chiến trong môi trường bị gây nhiễu mạnh, đánh chặn mục tiêu tàng hình, tên lửa hành trình, máy bay tầm thấp, trực thăng... Siper có thể đánh trúng mục tiêu cách xa hơn 100km", ông Haluk Gorgun tiết lộ sức mạnh của Siper.

Theo Breaking Defense, dù tầm bắn của vũ khí đánh chặn do Thổ phát triển chưa thể so sánh với S-400 của Nga nhưng ở những tính năng khác, Siper tỏ ra không hề thua kém.

Đây rõ ràng là sự tiến bộ vượt bậc của Ankara trong việc tự phát triển vũ khí phòng thủ. Bởi trước đó Nga đã khẳng định, việc chuyển giao một phần công nghệ phát triển S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ không được thực hiện bởi nó không được quy định trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên hồi năm 2017.

Tuyên bố từ phía Nga và Thổ cũng đồng thời chấm dứt những đồn đoán được truyền thông Thổ đăng tải trước đó rằng Moscow sẽ chuyển giao công nghệ của S-400 và giúp Ankara phát triển phiên bản nội địa được định danh là Siper.

Để đẩy nhanh dự án S-400 nội địa, một số nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã soạn thảo cụ thể về chi phí lẫn kỹ thuật cho tổ hợp tên lửa phòng thủ này. Quy trình có thể sẽ mất một năm rưỡi.

Không những vậy, hồi cuối năm 2019, tờ Hurriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng, Moscow sẵn sàng tổ chức sản xuất các hệ thống này trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara đưa ra lời đề nghị.

Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng, hiện tại không có thảo luận về việc sản xuất chung các hệ thống tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có thể một số phần cứng sẽ được sản xuất chung.

"Không thể nói về việc sản xuất chung tất cả các bộ phận S-400 vì đây là những loại vũ khí mới. Nhưng chúng ta có thể nói về việc sản xuất một số thành phần. Công việc sản xuất một số thành phần này sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Peskov nói.

Năm 2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400.

Mỹ đã nhiều lần phản đối thương vụ này và áp các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 do Mỹ sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.