Trong một cuộc phỏng vấn với Haberturk TV, ông Kalin cho biết Ankara đang theo đuổi “chính sách cân bằng” khi nói đến quan hệ của mình với Nga.
Ông giải thích vì Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc các nguồn năng lượng từ nước ngoài nên cần phát triển quan hệ với Nga cũng như với Iran. Ông lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ tốt với Mỹ và các nước phương Tây khác.
“Chúng tôi không áp đặt lệnh trừng phạt với Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình” – ông nói.
Theo quan điểm của ông Kalin, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow sẽ gây hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là cho Nga. Ông cũng nhấn mạnh đất nước ông không ủng hộ chính sách áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các doanh nhân Nga.
Ông Kalin nói rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi hoạt động quân sự của Nga là một “cuộc xâm lược” và nói điều này “một cách rõ ràng và dứt khoát”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nói chuyện cả với Nga và Ukraine vì “chiến tranh càng kéo dài thì tổn thất càng nhiều”.
Ông Kalin lưu ý vai trò của Ankara trong việc đàm phán các giải pháp cho một số vấn đề quan trọng toàn cầu như nguồn cung ngũ cốc từ khu vực bị xung đột. Ông cũng thừa nhận không thể đoán trước được lực lượng Nga sẽ rời Ukraine vào thời điểm nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “chiến tranh có những tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.
“Dự đoán của tôi là chúng ta sẽ bận rộn với chiến tranh và những ảnh hưởng của nó trong 10 năm tới. Chiến tranh có thể kết thúc nhưng ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục theo một cách khác” – ông cho biết.
Ông Kalin cho rằng thế giới đang đối mặt với một kiểu chiến tranh lạnh mới, trong đó sự chống Nga mạnh mẽ ở phương Tây và chủ nghĩa chống phương Tây đang lan rộng ở Nga.