Theo giới truyền thông Moscow, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ được coi là bạn của Nga, khi đang nhận rất nhiều lợi ích từ Nga, nước này cũng được coi là đồng thời là “người ủng hộ hòa bình” đối với Kiev, vẫn liên tục nói về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.
Ankara hiện đang nhận được rất nhiều lợi ích từ Nga, trong mối quan hệ hợp tác đầy nhạy cảm ở Syria, ở tuyến đường ống dẫn khí đốt TurkStream và BlueStream trên Biển Đen, hay ở dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu hoặc việc mua sắm các hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumph.
Thế nhưng, quốc gia nằm ven bờ Biển Đen này hiện đã và đang tích cực cung cấp vũ khí, trang bị cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, bán cho nước này những chiếc máy bay tấn công không người lái (UAV) Bayraktar TB2, cung cấp đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO và đặc biệt là dự án đóng các tàu mặt nước tối tân.
Tuy nhiên, mặc dù đang chìa cả 2 tay cho Moscow và Kiev, trước khi bay tới hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã đưa ra cảnh báo tới ban lãnh đạo liên minh, cố gắng ngăn khối này tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống Liên bang Nga.
“Khi phát triển các bước cần thực hiện để hỗ trợ Ukraine, chúng tôi cũng duy trì quan điểm nguyên tắc của mình là không biến NATO thành một bên trong cuộc xung đột” - Tổng thống Erdogan phát biểu tại sân bay Ankara trước khi lên máy bay tới Washington.
Thông điệp công khai có chủ ý của ông Erdogan có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực của các đồng minh NATO nhằm thể hiện sự thống nhất ủng hộ Kiev tại hội nghị thượng đỉnh Washington.
Ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo đang bị phân tâm bởi các vấn đề nội bộ ở thủ đô của họ, các đồng minh NATO sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi kế hoạch cung cấp viện trợ dài hạn cho Kiev bị đình trệ.
Lời cảnh báo của ông phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch của đồng minh nhằm tăng cường cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, cũng như cử các giảng viên quân sự huấn luyện binh sĩ ngay trên lãnh thổ Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự với Mỹ và NATO, trong khi vẫn duy trì quan hệ với Nga, đã thừa nhận Ukraine cần trợ giúp quân sự để tự vệ, nhưng lo ngại rằng Moscow có thể sử dụng sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các đồng minh làm cái cớ để trực tiếp cáo buộc NATO kích động chiến tranh.
Theo giới phân tích, ông Erdogan thực sự là một chuyên gia về “đu dây” trong mối quan hệ với cả Nga với Ukraine và phương Tây.
Nhà lãnh đạo này thực sự đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu mà không quan tâm đến các vấn đề chính trị.
Ông ta vẫn nỗ lực duy trì vị thế của quốc gia trong khối NATO, thúc đẩy đất nước gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng vẫn có thể ủng hộ, thậm chí thiết lập quan hệ mật thiết với các đối thủ của NATO, đồng thời có thể gây căng thẳng, thậm chí là đe dọa gây chiến với cả các đồng minh, ban hành những chính sách đi ngược lại lợi ích của phương Tây.