Thơ Ngọc Khương: Một phong cách bình dị mà quyến rũ

Thơ Ngọc Khương: Một phong cách bình dị mà quyến rũ

Anh Ngọc Khương thuộc trường hợp thứ hai. Có tác giả tài văn chương “vốn sẵn tính trời” như thần đồng Trần Đăng Khoa; có tác giả tài năng văn chương phải trải qua một thời gian dài khổ luyện, cần mẫn, miệt mài sáng tạo.

Anh Ngọc Khương cũng rơi vào trường hợp thứ hai. Tôi đọc thơ Ngọc Khương ngót nghét đã vài chục năm. Bây giờ có thời gian nghiền ngẫm Tuyển tập thơ Ngọc Khương (NXB Hội Nhà văn, 2020), tôi mới phần nào nhận ra phong cách của anh.

Muốn tìm hiểu phong cách tác giả, ngoài tiếp cận tác phẩm; cần tham khảo những quan niệm, cách thẩm định, đánh giá văn chương của tác giả đó.

Trong Đôi dòng tâm sự, Ngọc Khương bộc bạch: “Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh huyền ảo”. Anh khiêm tốn nhận thơ mình “như cây dại mọc bên dòng suối nhỏ, thấp thoáng, e ấp vài bông hoa nở muộn mà thôi…”.

Thơ Ngọc Khương đúng là rất mộc mạc, rất chân quê; hoàn toàn khác với lối thơ “hậu hiện đại”, “tân hình thức”, “siêu thực”… được không ít người ưa chuộng hiện nay. Mỗi lối thơ, mỗi phong cách thơ đều có độc giả của mình. Những người ưa mới lạ, có thể không thích thơ anh. Điều đó cũng là lẽ thường tình.

Đổi lại, những độc giả quen với lối thơ mộc mạc, trong sáng, giản dị sẽ tìm thấy trong Tuyển tập thơ Ngọc Khương những gì gần gũi, thân thiết với mình. Nói như Tố Hữu: “Thơ là một điệu hồn đi tìm đến những tâm hồn đồng điệu”.

Năm 1968, khi tôi sắp bước vào học năm thứ hai, khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh (sơ tán ở Thạch Thành, Thanh Hóa) thì anh đang công tác trong vùng khói lửa.

Thực tế chiến trường và nỗi nhớ quê hương đã khơi gợi mạch nguồn cảm hứng thi ca trong anh. Mặc dù chưa có ý thức khai mở cho mình một lối đi riêng, nhưng tài năng thi ca của anh đã “phát tiết” ngay từ thời đó.

Ở khổ kết trong bài Võng tre, Ngọc Khương bất ngờ tưởng tượng, so sánh: Chắc đêm nay ngoài đó/ Em ru con bên thềm/ Võng tre như thuyền nhỏ/ Chở cả vầng trăng lên… Ngôn ngữ thơ ở khổ kết này đã phần nào “đạt tới sự lung linh, huyền ảo”, chắp cánh cho cả bài thơ.

Vài chục năm sau, cách tưởng tượng, so sánh này được anh phát huy tối đa trong những sáng tác “cho tuổi thần tiên”. Chẳng hạn như: Đàn cò chấp chới/ Cõng ca dao về… (Cò bay giữa phố); hoặc: Cây như cũng thích/ Được gần trăng sao… (Sân thượng chú Huy)…

Qua Tuyển tập thơ Ngọc Khương, tôi được biết: Anh là người đi nhiều, viết nhiều, đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống hiện tại. Chỉ riêng việc sáng tác đến mấy chục bài thơ về mấy chục hòn đảo lớn nhỏ trên biển Đông, đủ biết sức viết dồi dào của anh.

Thơ Ngọc Khương chủ yếu là trữ tình nhưng khi cần, anh cũng sẵn sàng hướng ngòi bút của mình vào mặt trái của xã hội. Nhìn thấy cảnh hai nhà liền kề nhưng chẳng hề quan tâm đến nhau, anh hết sức ngao ngán: Nhạc đám ma ập vào đám cưới/ Nhạc đám cưới quất vào đám ma (Chơi vơi).

Chỉ qua hai động từ mạnh “ập” và “quất”, tác giả đã bày tỏ thái độ hết sức bất bình của mình. Nguyên nhân sâu xa của những việc “chướng tai, gai mắt” ấy là căn bệnh vô cảm.

Ngọc Khương coi bệnh vô cảm là “cơn đại dịch”: Đang di căn vào ngõ ngách cuộc sống/ Nếu thế giới không rung chuông báo động/ Thì loài người sẽ mất hết linh hồn và hóa đá mà thôi! (Con quốc đâu rồi?). Anh tìm cách chống lại căn bệnh vô cảm đó bằng việc sáng tác những bài thơ giàu tính nhân văn. Một trong những bài thơ giàu tính nhân văn, để lại ấn tượng khó phai mờ trong tâm thức độc giả là bài Ông già bán kem.

Nhà thơ Ngọc Khương và
Tuyển tập thơ

Đọc Ông già bán kem, tôi nhớ đến hình ảnh ông già bán than trong thơ Bạch Cư Dị, ông già hát rong ở châu Thái Bình trong thơ Nguyễn Du.

Tuổi già là tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, thế mà ông già bán kem phải khẩn nài những vị “thượng đế” đáng tuổi con cháu mình: Kem đây! Dùng đi chú em!/ Kem ông ngọt mà họng tôi nghẹn đắng/ Ông già về hưu đẩy thùng kem quanh phố vắng/ Tôi lạnh mình như những chiếc kem… Lấy cái lạnh của kem so sánh với cái lạnh của lòng, trong trường hợp này là hết sức đắc địa.

Tuy vậy, thơ thế sự không phải là sở trường của Ngọc Khương. Sở trường của anh là thơ trữ tình. Những bài thơ hay nhất của anh là những bài anh viết về quê hương, về mẹ, về người anh yêu thương và đặc biệt là những bài anh viết về bà nội.

Ngọc Khương không hề che giấu thân phận của mình:

Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu

Tay lấm láp bắt con còng làm bạn

Chân tứa máu bởi mảnh hà, mảnh hến

Da cháy rần trong nắng quái miền Trung…

                                                                        (Ký ức làng tôi)

Sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh: Quay quắt nhớ mái đình/ Nhớ con đò, nhớ dáng hình gốc đa… Một đời xuôi ngược bôn ba/ Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng làng (Cổng làng).

Có thể gọi lục bát Ngọc Khương là “lục làng quê” với những đình làng, cổng làng, cây đa làng, giếng làng, gái làng, trai làng, cánh diều, tàu cau, dòng sông, bến đò, ruộng đồng, mùa màng, cánh cò… Bài Trái bầu quê tôi là một trong những bài thơ hay của anh. Tác giả thường tạo sự bất ngờ ở những khổ kết:

Cái thời không dám tỏ tình

Bên bầu, bên bí liếc nhìn nhau thôi

Để rồi mỗi đứa một nơi

Lòng ta như thể cắt đôi trái bầu!

Đúng là tình yêu của những chàng trai, cô gái ở thôn quê, gắn liền với hàng cau, giàn bầu như trong thơ Nguyễn Bính.

Có những thứ mà chỉ thi sĩ làm được, còn người thường thì không thể:

Tần ngần rụng chiếc tàu cau

Em ơi, nhặt gói nỗi đau chúng mình!

                                                (Chia tay)

Thời nước nhà chia cắt, cha mẹ Ngọc Khương bị kẹt trong Nam, anh được bà nội chăm sóc, nuôi nấng từ khi đang còn thơ ấu. Bởi vậy, Ngọc Khương dành tình cảm sâu nặng nhất, ấm áp nhất, thiêng liêng nhất cho bà nội:

Một đời rơm rạ ruộng đồng

Nội đi, chỉ tấm lưng còng mang theo

Cỏ vàng, nấm mộ buồn teo

Buốt mưa đêm, rát nắng chiều, Nội ơi!

Đứng trước ngôi mộ của bà, anh: Nghe như tiếng Nội à ơi/ Từ trong ruột đất, xé trời bươn lên… (Bà Nội). Từ “bươn” gợi rất nhiều tầng nghĩa. “Bươn” vừa thể hiện tình yêu thương vô bờ bến, vừa thể hiện sức sống mãnh liệt của bà khi bà còn sống trên cõi đời và cả khi bà đã nhắm mắt xuôi tay.

Với những vần thơ xúc động viết về bà nội, Ngọc Khương phần nào thực hiện được điều mà anh luôn tâm niệm: “Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh huyền ảo”.

Tôi với Ngọc Khương có những sự trùng hợp đến khó tin: Cùng sinh ra một thời, cùng cầm tinh “con trâu” (Kỷ Sửu), cùng lớn lên trên vùng đất “gió Lào, cát trắng”.

Tuổi thơ của hai chúng tôi cùng ngụp lặn trên dòng sông Gianh. Trưởng thành, chúng tôi cùng làm nghề “gõ đầu trẻ”, cùng đều bị trời đày “làm thi sĩ”… Có phải vì thế mà quan niệm sống, quan niệm văn chương của tôi và Ngọc Khương có nhiều chỗ tương đồng.

Châm ngôn của tôi là: “Sống giản dị, chân thật; viết chân thật, giản dị”. Bởi vậy mà tôi hết sức đồng cảm khi nghiền ngẫm Tuyển tập thơ Ngọc Khương - Một phong cách thơ giản dị mà không kém phần quyến rũ.

Huế, tháng 2/2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.