Thợ lặn một chân thuần phục “hà bá“

GD&TĐ - Hơn 40 năm nay, hiệp sĩ Tân “què” sống trên chiếc ghe lênh đênh đậu ngay ngã tư thuộc khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã cứu mạng sống của không biết bao nhiêu người gặp nạn. Tuy nhiên, cuộc đời ông còn lắm u sầu…

Gia đình anh Hồ Văn Tân
Gia đình anh Hồ Văn Tân

Vào sinh ra tử với “hà bá”

Trời xế chiều, ông Hồ Văn Tân, 57 tuổi, (hay còn gọi hiệp sĩ Tân què vì bị khuyết tật một chân) ngồi một mình trong chiếc ghe nhỏ bé của mình và kể lại rằng, cách đây mấy phút, ông đã vớt chiếc ghe nhỏ của người phụ nữ trạc 50 tuổi, đi một mình, ở hố “tử thần” trước mặt, hướng đi về Sóc Trăng. Khi ghe của người phụ nữ này đến ngã tư, chạy qua mặt ghe lớn nên bị sóng đánh làm chìm ghe. “Tôi đang ngồi bên này, nghe người dân hô hoán, lập tức xuống ghe chạy máy cole sang bên kia sông rồi nhảy xuống kéo người lên bờ. Còn hôm qua, mới lặn vớt ghe chở vật liệu xây dựng bị chìm cách đây gần chục cây số”, ông Tân nói.

Sở dĩ ông sống một mình trên chiếc ghe cũ kỹ gần 40 năm tại vị trí này là vì ở đây có hố xoáy sâu gần 20 mét nằm ngay ngã tư nên có rất nhiều ghe đi ngang bị chìm. Hễ có ghe gặp nạn là ông ứng cứu ngay. “Ai cũng biết mình ở đây, khi có chuyện thì người ta biết mà chạy lại tìm”, ông nói.

Theo lời ông Tân kể thì các đáy sông ở khu vực Ngã Bảy, Châu Thành (Hậu Giang) Sóc Trăng, Bạc Liêu… ông đều “ghé qua”, vì vậy có những nơi cách xa Ngã Bảy nhưng ông Tân nắm rõ như trong lòng bàn tay. Như ở Cái Côn, thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) chỗ ngã ba giao với sông Hậu, do nước từ sông Hậu đạp vô thành xoáy nước tròn, khuyết sâu xuống đất, hễ ghe chở khẳm nào không biết, chạy sát mé, gặp sóng là bị đánh chìm. “Mấy chục năm bằng nghề sông nước nên ngoài gia đình ra thì tôi coi sông nước như là bạn, đặc biệt là các hố xoáy, quanh khu vực này hầu như chỗ nào cũng có dấu chân của tôi hết”, ông Tân chia sẻ.

“Duyên nợ” với sông nước

Ông Tân là con út trong gia đình nghèo khó, lúc mới 3 tuổi bị bệnh rồi teo một chân. Lớn lên, anh em đều lành lặn và có gia đình riêng, còn ông sống thui thủi một mình và tự chăm sóc bản thân. Sống ở vùng sông nước nên ông tập tành bơi lội từ sớm. Lúc đó, ông nghĩ cơ thể mình không lành lặn như người khác, chẳng có thế mạnh gì ngoài bơi lội nên quyết định sống dựa vào sông nước.

Khoảng chục năm trước, ghe chở củi từ Cà Mau ngang đây bị chìm liên tục, có khi trong một tháng mà có đến 2 - 3 ghe gặp nạn. Ông Tân liền túc trực ở đây để có thể ứng cứu kịp thời. Không chỉ làm việc ban ngày mà vào ban đêm, chỗ nào có tai nạn tàu ghe, sà lan… mà có người nhờ là ông đều giúp, bất kể đêm hôm lạnh lẽo. “Chiếc ghe là tài sản của họ, thấy mà không giúp thì không chịu nổi, lương tâm cứ thôi thúc làm và trở nên gắn bó với công việc này”, ông Tân bộc bạch.

Anh Hồ Văn Tân cùng con gái Cẩm Thu

Anh Hồ Văn Tân cùng con gái Cẩm Thu

Dù được trả công hay không, đối với ông không quan trọng, điều ý nghĩa nhất là được giúp người gặp nạn. “Nhiều lúc vớt ghe xong mà người chủ khóc lóc vì con chết, tài sản mất thì không thể nào để họ bận lòng chuyện tiền bạc phúc đáp mình. Đối với những người nghèo gặp nạn, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đền ơn”, ông Tâm chân thành chia sẻ.

Ông Tân cho biết, nhiều lúc nấu nồi cơm chưa kịp chín, nghe có người đến nhờ lặn vớt ghe, tàu chìm là lật đật đi liền. Trong lúc ứng cứu, đôi khi đói quá uống chút nước cho đỡ đói để tiếp tục công việc cho xong. Những khi sáng sớm hay buổi tối trời lạnh thì uống thêm chén nước mắm.  

Mấy chục năm trong nghề, không dụng cụ chuyên dùng, chỉ có cái ống hơi, vài cái thùng phuy cộng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân mà ông Tân vớt hàng trăm chiếc ghe, tàu trên sông.

Cả đời lội sông cứu người

Mối duyên chồng vợ của ông cũng bắt đầu từ vụ chìm ghe của một người dòng họ bên vợ. Từ Sóc Trăng, người bên nhà vợ lên đây mua hàng bông về bán thì bị chìm. Khi đó, ông nhảy xuống vớt giúp ghe, máy lên bờ. Sau đó bên vợ, đặc biệt là người vợ thấy hoàn cảnh của ông nên thương rồi thành vợ chồng. “Điều tôi mơ ước từ lâu là được cùng vợ con ăn những bữa cơm chung, tuy rằng không có đồ ăn ngon nhưng cảm thấy hạnh phúc. Thế mà đến giờ, con gái 17 tuổi rồi cũng chưa một lần được vậy”, ông Tân chép miệng than.

Vợ ông, bà Bùi Thị Hiệp (54 tuổi, ở ấp Mỹ Thuận, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Mỹ Tú, Sóc Trăng) hiện đang bị bệnh tiểu đường nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Con gái ông - Cẩm Thu - học hết lớp 9 cũng phải dừng bước vì vợ chồng ông không đủ khả năng cho con học. Hơn nữa, bản thân Cẩm Thu vì thấy hoàn cảnh cha mẹ cực khổ nên cũng quyết định nghỉ học để ở nhà làm thuê và tiện chăm sóc mẹ.

Bà Hiệp cho biết, mấy năm trước, bà có chiếc ghe nhỏ chạy lên Ngã Bảy mua hàng bông đem về xóm bán, thỉnh thoảng cả tháng trời ghé thăm chồng một lần nhưng mấy năm nay bị bệnh không làm nặng được và nằm ở nhà. “Chồng làm dành dụm từ tiền giúp đỡ người khác, họ cho rồi ổng gom lại gửi về cho con gái, cứ thế mà nuôi con học đến hết cấp hai”, bà Hiệp nói. “Lúc còn trẻ đi buôn bán có nhiều chỗ để ý nhưng cái duyên trời định, biết chồng tật nguyền mà vẫn thương vì ổng thật tình, có lòng thương người”, bà còn kể thêm. “Hồi mang thai không có tiền sanh, chồng xuống thăm không cho được mẹ con tôi đồng nào nhưng cũng vui. Hai đứa nghèo đến với nhau, nhưng vì hoàn cảnh mà phải sống mỗi đứa một nơi”.

Cô con gái Cẩm Thu đã nghỉ học gần 2 năm nay, mỗi ngày đi lặt hạt sen cho chủ ở chợ kiếm được vài chục ngàn đồng phụ mẹ. Cẩm Thu tâm sự: “Nhiều lần nhìn thấy cha trên tivi, em ngưỡng mộ và tự hào vì cha có tật mà vượt lên số phận, không đầu hàng trước khó khăn, đặc biệt là cha có lòng thương người và giúp đỡ người khác. Ước mơ lớn nhất của em là được một lần được ở bên cạnh cha và mẹ như một gia đình thật sự. Em biết ước mơ đó cũng chính là khao khát của cha em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.