Tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu phòng học, phòng học xuống cấp, phòng học tạm bợ vẫn còn. Bên cạnh đó nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa cũng đang rất cấp bách…
Thiếu hơn 2.000 phòng học mầm non!
Tình trạng thiếu phòng học, HS phải học nhờ, học tạm và phòng học xuống cấp vẫn còn diễn ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. Theo thống kê toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ, phòng học mượn. Trong đó bức xúc nhất là cấp học mầm non.
Theo thống kê toàn vùng còn 672 phòng học tạm, hơn 2.600 phòng học học nhờ, học mượn. Nhiều nơi thiếu nhà vệ sinh và các trang thiết bị cho trẻ hoạt động và vui chơi ngoài trời. Một số tỉnh vẫn còn nhiều xã chưa có trường mầm non như Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang...
Theo đánh giá của ngành Giáo dục các địa phương trong khu vực thì nguyên nhân chính là do mạng lưới trường, lớp mầm non còn phân tán, còn nhiều điểm trường.
Đặc biệt là nhiều trường diện tích còn chật hẹp, phòng học xây dựng chưa đúng quy cách. Tuy được quan tâm đầu tư nhưng tình trạng thiếu phòng học vẫn chưa được khắc phục, phòng học tạm, học nhờ còn nhiều.
Ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Ở cấp học mầm non, nhìn chung cơ sở vật chất có sự chuyển biến khá tốt nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ trong độ tuổi vào học.
Hiện vẫn còn một số trường mẫu giáo, mầm non ở vùng nông thôn sâu đang gặp nhiều khó khăn (có 314 phòng học còn phải học nhờ của trường tiểu học), nhiều phòng học chưa đủ diện tích, bàn ghế chưa đúng quy cách…
Do đặc thù địa bàn rộng, bị chia cắt bởi kênh rạch nên quy mô trường lớp ở ĐBSCL vẫn chưa phát triển kịp so với nhu cầu. Trong nhiều năm qua, các cấp ủy và ngành GD các địa phương đã “gồng sức” đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng đến nay vẫn còn thiếu trường lớp.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - cho biết: “Kiên Giang là tỉnh có địa bàn dân cư rộng lớn, một bộ phận người dân sống theo những tuyến kênh, bìa rừng…
Vì vậy, mấy năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ưu tiên tập trung đầu tư cho ngành GD, nhất là về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị.
Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp nên đến nay điều kiện trường lớp vẫn chưa đảm bảo, nhất là ở bậc học mầm non. Hiện vẫn còn nhiều xã, phường của tỉnh chưa có trường mầm non.
Trong khi đó tại một số địa phương có dân cư sống phân tán như huyện An Minh, An Biên mỗi điểm chính cần có thêm từ 10 - 12 điểm phụ. Tính trung bình của tỉnh thì mỗi điểm chỉnh có khoảng 7 điểm phụ...”.
Đến nay tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở một số tỉnh còn rất thấp như Tiền Giang chỉ đạt 7,5%; Trà Vinh đạt 7,9%; An Giang đạt 8,08%...
Cũng vì thiếu trường lớp nên ảnh hưởng đến công tác PC GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tính đến thời điểm tháng 6/2015, các tỉnh ĐBSCL có 90,2% đơn vị cấp xã và 65,2% đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ 5 tuổi (tháng 6/2015 cả nước có 96,7% cấp xã và 81,3% cấp huyện đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi).
Chỉ có 3/13 tỉnh, thành được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ 5 tuổi (Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu). Có 2 tỉnh đã nộp hồ sơ PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi, hiện đang trong quá trình thẩm định (Tiền Giang, Hậu Giang)…
Theo báo cáo của 8 tỉnh chưa đạt PC GDMN 5 tuổi, nhu cầu tối thiểu cần xây dựng mới khoảng 1.491 phòng học, bổ sung 1.906 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, hợp đồng hoặc tuyển dụng thêm 3.340 GV với kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 2.148 tỉ đồng.
Vẫn “khát” nhà công vụ
Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT, nguồn trái phiếu Chính phủ, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất trường học của vùng ĐBSCL từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa.
Trong đó, Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008 - 2012 đã góp phần rất lớn, giải quyết nhu cầu phòng học cho HS và nhà ở cho đội ngũ nhà giáo. Kết quả thực hiện, số phòng học đã triển khai xây dựng là 18.103 phòng (tỷ lệ 73,1%).
Trong đó cấp mầm non 2.255 phòng (đạt 72,1%); Tiểu học 10.583 phòng (69,4%); THCS 4.263 phòng (81,0%); THPT 1.002 phòng (88,2%).
Số nhà công vụ GV đã triển khai xây dựng là 1.418 phòng (tương đương 34.032 m2), đạt tỷ lệ 36,0% so với kế hoạch cả giai đoạn. Trong khi đó cả nước đạt 65% phòng học, 40,8% phòng nhà công vụ; Tây Bắc đạt 57,2% phòng học, 41% phòng nhà công vụ; Tây Nguyên đạt 60,2% phòng học, 50,5% phòng nhà công vụ.
Khó khăn trong thực hiện Đề án do giá cả vật liệu tăng nhanh, địa điểm xây dựng chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện địa chất nền đất yếu nên tăng chi phí gia cố nền móng và làm cho tổng mức đầu tư Đề án tăng rất lớn.
Do đó không thể đầu tư xây dựng hết số phòng theo kế hoạch của Đề án. Tổng số vốn đã được phê duyệt cho Đề án tại các địa phương vùng ĐBSCL mới chỉ giải quyết được 73% số phòng học và 36% nhà công vụ...
Do đó vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, thiếu nhà công vụ cho GV. Đơn cử như tỉnh Cà Mau, tình hình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho GV giai đoạn 3 vẫn còn hơn 2.600 phòng học; còn thiếu nhà công vụ cho GV (hiện tỉnh cần hơn 1.400 nhà công vụ cho GV) và hiện có 1.350 phòng học xuống cấp…
“Các bộ, ngành cần tìm giải pháp nâng tỷ suất đầu tư xây dựng cơ bản. Ở một số địa phương như Cà Mau chẳng hạn kết cấu hạ tầng và địa chất rất yếu nên cần có hệ số đầu tư xây dựng phù hợp. Ngoài ra chương trình kiên cố hóa giai đoạn 3 và nhà ở công vụ cho GV đang đặt ra yêu cầu khá bức xúc...” - Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, kiến nghị.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625 phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020.
Giai đoạn 2015 - 2016 được bố trí 2.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng để ưu tiên đầu tư xây dựng phòng học cho giáo dục mầm non các huyện nghèo còn lại theo Quyết định số 20/2008 của Thủ tướng.
Tuy nhiên, ĐBSCL là địa bàn khó khăn nhất về cơ sở vật chất, trường lớp, nhưng chỉ có huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là còn phòng học thuộc danh mục đối tượng của Đề án.