Thiếu toilet và nước sạch đe dọa phổ cập giáo dục nữ

GD&TĐ - Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới không được tiếp cận với nước sạch và toilet kín đáo tại trường học khiến kế hoạch phổ cập giáo dục cho nữ sinh và phát triển kinh tế không thể thực hiện được.

Thiếu toilet và nước sạch đe dọa phổ cập giáo dục nữ

Nữ sinh là nạn nhân chính của việc mất vệ sinh trong trường học

Báo cáo nghiên cứu đầu tiên trên qui mô toàn cầu về tình trạng vệ sinh tại các trường học trên thế giới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quĩ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) phối hợp thực hiện đã đưa ra kết luận như thế. Báo cáo cho thấy có khoảng 620 triệu trẻ em trên thế giới không thể sử dụng toilet tại trường vì chúng vừa thiếu vệ sinh vừa lộ liễu và 900 triệu em không được rửa tay đúng cách hoặc không có nước sạch và xà phòng để rửa.

Đưa trẻ em, đặc biệt là con gái đến trường và hoàn tất giáo dục ở cấp xoá mù và cao hơn nữa là điều quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, nhưng thiếu các phương tiện vệ sinh đã làm nản lòng nhiều bậc phụ huynh và nữ sinh vì các em không thể làm được công việc bình thường này khi cần thiết. Báo cáo cũng phát hiện 1/3 trường học trên thế giới không có toilet đúng chuẩn và 47% không có xà phòng cho học sinh rửa tay.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều yếu tố để xác định sự an toàn của nước uống, chất lượng của toilet và cách rửa tay bài bản tại những trường học nằm trong danh sách khảo sát. Có trường có toilet nhưng toilet không hoạt động vì hư hỏng, hôi hám, trơn trợt. Có trường không xây dựng riêng toilet cho nữ sinh mà đi chung nam-nữ. Nhiều trường không đáp ứng nổi các tiêu chuẩn nhỏ nhất của việc giữ vệ sinh cơ thể và toilet. Theo báo cáo, tại châu Phi, các trường cấp 1 và nhà trẻ ít được tiếp cận với nước sạch hơn trường cấp 2.

“Vệ sinh kém có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ trong giai đoạn đầu đời và sự phát triển tâm sinh lý sau này” - báo cáo cảnh báo. Tiêu chảy gây ra bởi việc dùng nước bẩn và toilet mất vệ sinh làm chết một trẻ em mỗi hai phút trên thế giới. Vì vậy, báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vệ sinh chống nhiễm khuẩn và toilet trong các trường học.

Học sinh, nhất là nữ sinh sẽ khó lòng vào học tại những ngôi trường không đáp ứng được nhu cầu vệ sinh tối thiểu. “Chúng thà bỏ học thay vì đi vào những ngôi trường như thế - một nhà giáo dục nói - Đối với nữ sinh đã bước sang tuổi thiếu nữ, việc được sử dụng phòng vệ sinh riêng là điều hết sức quan trọng. Một ngôi trường hội đủ các tiêu chuẩn vệ sinh, nước sạch, bồn rửa tay, xà phòng và toilet riêng biệt chất lượng sẽ khuyến khích trẻ em đến trường, thậm chí ngay tại các cộng đồng nghèo”.

Bà Thérèse Mahon, người điều hành chương trình WaterAid tại khu vực Nam Á nhận định: “Cung cấp nước sạch, cơ sở vệ sinh đầy đủ và phương tiện chống nhiễm khuẩn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giáo dục cho nữ sinh ở tuổi trưởng thành. Các em sẽ không sợ bị nam sinh quấy rối hoặc lúng túng khi đến kỳ kinh nguyệt”.

 

Hoàn cảnh của một ngôi trường tại Ấn Độ

Lấy ví dụ ngôi trường nằm tại khu ổ chuột Mahatma Gandhi Nagar ở thành phố công nghệ Hyderabad nằm phía nam Ấn Độ. Tại đây 4 giáo viên phải dạy 5 lớp với hơn 100 học sinh từ 5-11 tuổi mà đa số đi chân trần trên những con đường lầy lội để đến trường. Khu ổ chuột trái ngược hoàn toàn với thành phố quanh nó. Hyderabad là thủ đô công nghệ cao của bang Telangana và nơi những người khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, IBM và Amazon đặt văn phòng.

Mahatma Gandhi Nagar và 15 khu ổ chuột tương tự đều nằm tại khu vực Film Nagar, nơi có studio phim Ramoji Film City lớn nhất thế giới. Từ năm 2009, bà Himani Gupta và tổ chức phi chính phủ (NGO) Kriti do bà đồng sáng lập đã vận động chính quyền cho xây dựng trường học tại khu ổ chuột này khi bà phát hiện ra khu ổ chuột chỉ có một lớp học và một giáo viên.

Đến năm 2013, chính quyền mới đáp ứng nguyện vọng trên với 5 phòng học không vách ngăn, không tường bao và toilet tạm bợ. Đến nay, khu ổ chuột với 4.000 hộ dân đã có 5 ngôi trường tương tự nhưng số giáo viên tại trường do Kriti quản lý vẫn là 4. Số học sinh đến lớp rất ít so với số trẻ em cùng lứa tuổi hiện sống ở khu ổ chuột. Toilet trường hầu như không còn hoạt động. “Trường học biến thành điểm uống rượu lý tưởng của các cư dân vào ban đêm, và họ phóng uế bừa bãi tại chỗ.

Những chai rượu vỡ vung vãi khắp nơi khi học sinh đến lớp” - Gupta nói. Cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của con gái họ tại một đất nước thường xuyên xảy ra nạn bắt cóc và cưỡng hiếp thiếu nữ. Họ sợ giáo viên không đủ để bảo vệ con họ. Không có toilet trong trường cũng là vấn đề. Cũng không có nước. “Khi cần đi vệ sinh, học sinh sẽ về nhà. Trên đường đi nguy hiểm luôn rình rập chúng” - Gupta nói.

Chính quyền khẳng định trường sẽ không có cơ hội nâng cấp và xây lại toilet vì ngân quĩ còn dành cho những ưu tiên khác thay vì giáo dục. Khi Gupta đề nghị xin thêm giáo viên, phòng giáo dục khu vực viện dẫn khoản Catch 22 qui định về tỉ lệ giáo viên trên học sinh và yêu cầu trường tuyển thêm học sinh vào học trước khi giáo viên mới được cử đến. Gupta mở cuộc vận động phụ huynh đưa con đến trường nhưng không thành công. Một người mẹ nói: “Khi nào trường có phòng vệ sinh riêng cho nữ và có toilet đúng chuẩn tôi sẽ cho con gái đi học!”.

Theo Iindia Times và Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ