Thiếu nữ người Mảng ước mơ trở thành cô giáo

GD&TĐ - 2 lần “ẵm giải” học sinh giỏi môn Lịch sử, em Sìn Thị Định, lớp 7, Trường Phổ thông DTBT THCS xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) luôn nỗ lực trong học tập để hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo.

Em Sìn Thị Định (bên phải) trong một buổi học trên lớp. Ảnh: TG
Em Sìn Thị Định (bên phải) trong một buổi học trên lớp. Ảnh: TG

Vượt khó ở Nậm Pì

Chúng tôi gặp em Sìn Thị Định ở ngôi trường thuộc vùng xa xôi, khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn - Trường Phổ thông DTBT THCS xã Nậm Pì. Nữ sinh người Mảng có dáng người nhỏ bé, da ngăm đen mang nét đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Nhưng ánh mắt em toát lên sự thông minh, nhanh nhẹn mà không phải học sinh vùng cao nào cũng có được.

Mảng là 1 trong 4 dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước triển khai đề án riêng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Họ sinh sống chủ yếu tại 15 bản thuộc các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì và Nậm Hàng của huyện Nậm Nhùn. Với hơn 4 nghìn người, cư trú phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, ít ruộng nương, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Sìn Thị Định chia sẻ: “Nhà em ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì thuộc diện cận nghèo nên khó khăn lắm. Gia đình đông con, hằng ngày bố mẹ phải lên nương dù vất vả nhưng thu nhập không được là bao. Bữa ăn, áo mặc nhiều lúc 4 chị em phải tự lo hoặc trông chờ vào sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường”.

Gắn bó với vùng cao đã lâu, thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, thấu hiểu cuộc sống khó khăn của đồng bào. Thầy Thanh chia sẻ: Ở Nậm Pì, người Mảng sinh sống ở 6/9 bản. “Trước đây, để mưu sinh người dân lại dắt díu nhau luồn rừng, lội suối. Cả ngày như thế với bao hiểm nguy rình rập. Đi rừng, mỗi người cũng chỉ kiếm được ít măng với rau dại về bán hoặc đổi gạo, sinh sống qua ngày. Đói nghèo, lạc hậu đeo bám mãi, nên họ phó mặc việc chăm lo hay học hành của con em mình cho thầy cô”, thầy Thanh chia sẻ.

Cũng theo thầy Thanh, những năm gần đây, nhờ được chính quyền địa phương, giáo viên tuyên truyền, vận động, phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con em mình hơn. Nhờ đó, 100% học sinh trong độ tuổi được bố mẹ cho đến trường. Chất lượng giáo dục của Nậm Pì vì thế có “tín hiệu” khởi sắc. Nhiều học sinh người Mảng có học lực khá, giỏi, tỷ lệ chuyên cần tương đối cao.

Bốn anh chị em nhà Sìn Thị Định là điển hình. Thương bố mẹ vất vả, Định luôn chịu khó học tập, tự tìm tòi nâng cao kiến thức cho bản thân. Tất cả với suy nghĩ: Chỉ có học giỏi thì cuộc sống sau này mới tốt đẹp hơn. Không chỉ Định mà các anh chị em trong nhà đều khắc phục khó khăn để đến trường, chăm chỉ học và trở thành học sinh khá, giỏi.

Định chia sẻ: “Em chỉ biết cố gắng học thật tốt để sau này có thể tìm được công việc ổn định, giúp đỡ gia đình thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Hiện, những ngày nghỉ học, em giúp mẹ nấu cơm, giặt quần áo, quét nhà và những việc nhỏ trong gia đình. Thỉnh thoảng em và anh chị em cũng lên nương phụ giúp bố mẹ”.

Chia sẻ về học trò cũ, thầy Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì - cho biết: “Định thông minh, chịu khó học tập, đến lớp rất chăm chú nghe thầy cô giảng. Chính vì vậy, cả 5 năm học tại trường, em đều đạt học sinh giỏi”.

Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì với đa số học sinh người Mảng theo học.

Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì với đa số học sinh người Mảng theo học.

Nuôi ước mơ

Trò chuyện cùng chúng tôi, Định chia sẻ: “Mong muốn của em là sau này làm cô giáo để có thể dạy chữ cho trẻ em trong bản. Vì vậy, em luôn xác định đến trường để học kiến thức, có hiểu biết sẽ giúp được dân bản mình đỡ khổ hơn”.

Để ước mơ thành hiện thực, nữ sinh dân tộc Mảng vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, luôn chăm chỉ học tập. Trong giờ học, em chăm chú nghe giảng, trao đổi cùng thầy cô để tháo gỡ nội dung khó. Theo dõi quá trình học tập của trò, tại kỳ thi tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi của trường, thầy hiệu trưởng đã định hướng cho em lựa chọn môn Lịch sử để dự thi.

“Năm học 2020 - 2021, Định nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện. Tôi trực tiếp ôn thi và đồng hành cùng đội tuyển. Kết quả không nằm ngoài mong đợi của thầy cô, em Sìn Thị Định đoạt giải Nhì. Năm học 2021 - 2022, Định tiếp tục tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện và đoạt giải Khuyến khích môn Lịch sử”, thầy Thanh chia sẻ.

Cũng theo thầy Thanh, em Định có trí nhớ tốt, học đều các môn nên 2 năm học vừa qua, em là một trong những học sinh dân tộc Mảng có học lực giỏi của trường. “Ban giám hiệu luôn quan tâm, giúp đỡ để em phát huy tốt nhất khả năng. Sìn Thị Định là tấm gương điển hình vượt khó học giỏi cho các bạn trong trường học tập và noi theo” – thầy Thanh nói.

Ngoài vượt khó, học giỏi, Sìn Thị Định còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Đội của nhà trường. Cùng với đó, em luôn nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong lớp. Những bạn nào không hiểu bài đều được em giải thích, đưa ra cách làm dễ hiểu nhất. Nhờ đó, em luôn được bạn bè quý mến.

“Để có kết quả trên, ngoài giờ học ở trên lớp, em luôn dành thời gian học ở nhà, tìm hiểu thêm kiến thức từ thư viện của nhà trường. Những bài nào không giải được, em hỏi ngay thầy cô. Với em, chỉ cố gắng học thật tốt mới làm mẹ và thầy cô vui lòng, có thể hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo của mình”, Sìn Thị Định tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.