Thiếu niên mồ côi 'gồng gánh' hai em đến lớp

GD&TĐ - Từ ngày cha mẹ qua đời, A Lương mới 17 tuổi ở thôn 1, xã Đăk Tơ Lung (Kon Rẫy, Kon Tum) trở thành trụ cột của gia đình.

A Lương (bên trái) cùng 2 em và ông nội trong bữa cơm đạm bạc. Ảnh: Trúc Hân
A Lương (bên trái) cùng 2 em và ông nội trong bữa cơm đạm bạc. Ảnh: Trúc Hân

Nhưng thu nhập ít ỏi từ công việc làm thuê của em chẳng đủ nuôi ông nội đã ngoài 100 tuổi và 2 đứa em đang tuổi ăn học. Bữa ăn hàng ngày của mấy ông cháu chủ yếu là măng rừng, lá mì. Lâu lâu mới được một bữa có thịt hoặc cá.

Oằn vai gánh nặng mưu sinh

A Lương trông già dặn, chững chạc hơn so với cái tuổi 17 của mình rất nhiều. Nhiều năm qua gia đình A Lương luôn là hộ cận nghèo của địa phương. Nhà chỉ có ít đất trồng mì nên đa số thời gian cha mẹ Lương làm thuê để trang trải cuộc sống.

Mấy năm trước, sau một ngày đi làm cực nhọc, A Lot - cha A Lương bỗng thấy mệt mỏi, khó thở, tay chân phù to. Gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ thông báo cha A Lương mắc căn bệnh xơ gan cổ chướng. Uống thuốc qua ngày, bệnh tình chẳng thuyên giảm nên A Lot chỉ nằm một chỗ, gánh nặng đè lên đôi vai gầy của người vợ.

Không muốn một mình mẹ khổ cực, gồng gánh lo toan cho cả gia đình, A Lương quyết định nghỉ học đi làm thuê. Mẹ kiếm tiền chạy chữa cho cha, còn A Lương chắt chiu từng đồng lo cho 2 em ăn học. Cứ vậy tằn tiện từng ngày. Thế mà bất hạnh chẳng chịu dừng lại, cứ dai dẳng bám chặt vào gia đình này. Mẹ A Lương đổ bệnh. Qua thăm khám, cả nhà lại một lần nữa bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo mẹ em cũng bị xơ gan.

Cha mẹ bệnh nặng nằm một chỗ không thể đi làm, mọi công việc nhà đều một tay A Lương quán xuyến. Đồng tiền kiếm được ít ỏi của Lương không đủ cho cha mẹ thuốc men chạy chữa bệnh tật. Rẫy mì duy nhất của gia đình cũng phải bán đi.

Tiền hết, bệnh tật không thuyên giảm, cuối tháng 10/2023 mẹ A Lương mất. Chỉ 1 tháng sau cha cũng theo mẹ bỏ lại mấy anh em bơ vơ, đói rách. Những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi cha mẹ ở với ông nội già yếu trong căn nhà nhỏ, trống trước hở sau. Trong ngôi nhà tuềnh toàng của gia đình A Lương, món đồ giá trị nhất có lẽ là chiếc đèn tiết kiệm điện treo trên tường và mấy cái nồi đã cháy đen.

Y Lá (bên phải) mong ước lớn lên trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em ở vùng quê nghèo. Ảnh: Trúc Hân

Y Lá (bên phải) mong ước lớn lên trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em ở vùng quê nghèo. Ảnh: Trúc Hân

Cần lắm sự chung tay nâng đỡ

Chưa quen với việc thiếu vắng cha mẹ, nhiều đêm liền 2 đứa em là A La và Y Lá bật khóc. Người anh cả trụ cột gia đình chỉ biết ôm chúng vào lòng vỗ về và nước mắt cũng âm thầm rơi xuống. Vượt qua nỗi đau, nhớ lời hứa với cha mẹ trước khi khuất núi, ai thuê gì A Lương đều nhận làm hết, cậu chỉ mong có đủ tiền đắp đổi ngày tháng để chăm lo cho các em không phải bỏ học.

Ý thức được hoàn cảnh của gia đình thương anh trai sớm khuya bươn chải, sau giờ lên lớp Y Lá (9 tuổi) thường chăm chỉ đi mót mì phụ anh kiếm tiền mua gạo, thức ăn. “Em thương anh lắm. Anh Lương vất vả lo cho chúng em và ông. Anh làm cả ngày mệt cũng không dám nghỉ. Em đi mót mì, kiếm được thêm chút tiền để đổi gạo, anh bớt phần vất vả hơn. Em sẽ chăm chỉ học để anh được vui. Lớn lên em muốn trở thành cô giáo để dạy cho những bạn nhỏ nghèo như em”, Y Lá tâm sự.

Còn A La dù đã 11 tuổi nhưng mới học lớp 3. Những năm qua, học lực của A La luôn xếp loại yếu trong lớp. Nguyên nhân chủ yếu là do cậu bé không được quan tâm, kèm cặp, đã vậy còn phải chăm sóc cha mẹ bệnh tật cùng người ông già yếu nên không còn thời gian chú tâm vào việc học. Giờ đây, hoàn cảnh của A La đã được nhà trường quan tâm. A La đến lớp đều hơn và đã tập trung, chăm chú nghe giảng bài. Vui chơi cùng bạn bè, cậu bé bất hạnh cũng vơi dần đi nỗi buồn vì vắng cha, thiếu mẹ.

Thầy Lê Hữu Đề, giáo viên chủ nhiệm lớp 3C - Trường Tiểu học Đăk Tơ Lung cho biết, hoàn cảnh của A La rất đáng thương. Cha mẹ bệnh tật nên em đến trường bữa được bữa mất nên việc học hành thiếu sự chuyên cần. Tâm trạng bất an, phải sống trong sự lo lắng, buồn khổ thường xuyên nên tinh thần em cũng hay bị xao nhãng.

Nhà trường thường xuyên đến nhà vận động cậu bé đến lớp. Thương hoàn cảnh của anh em A La, giáo viên trong trường đã chung tay ủng hộ, quyên góp giúp gia đình vượt qua khó khăn. Thời gian này, khi ở trường, ở lớp A La đã hoạt bát, hòa đồng với bạn bè hơn và em rất lễ phép với thầy, cô.

Ông Đào Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho biết, từ ngày cha mẹ mất, cuộc sống anh em A Lương đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Trước hoàn cảnh éo le của gia đình A Lương, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ này chỉ hỗ trợ được phần nào khó khăn trước mắt chứ về lâu dài thì chưa tìm ra cách nào khả quan hơn. Chính vì vậy, địa phương rất mong các nhà hảo tâm, những tấm lòng thiện nguyện hãy quan tâm hỗ trợ, cùng chung tay, giúp đỡ gia đình A Lương vượt qua khó khăn để A La và Y Lá tiếp tục được đến trường.

Công việc bấp bênh, A Lương làm quần quật từ sáng sớm đến tối muộn cũng chỉ tạm duy trì được cuộc sống cho bốn miệng ăn trong nhà. Những ngày mưa gió, thời tiết xấu hay không ai thuê làm, bốn miệng ăn sống dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người cao tuổi của ông nội. Đường đời gập ghềnh còn đầy chông gai, vất vả. Mong ước cháy lòng của A Lương bây giờ vẫn là chỉ mong sao bản thân có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục gánh vác gia đình, chăm lo cho ông và nuôi 2 đứa em khôn lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.