Theo một nghiên cứu của Hàn Quốc, những người ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm dễ có các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường , bệnh tim và đột quỵ.
Sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ gồm đường huyết cao, cholesterol cao, mỡ dư thừa quanh vùng bụng, huyết áp cao và tăng mỡ máu, được biết là hội chứng chuyển hóa. TS Jang Young Kim ở ĐH Yonsei, Hàn Quốc cho biết những người ngủ ít nên ý thức được nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và các bệnh mạn tính có thể đe dọa cuộc sống của họ.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi khoảng 2.600 người trưởng thành trong hơn 2 năm và thấy rằng những người tham gia không ngủ được ít nhất 6 giờ mỗi đêm dễ bị hội chứng chuyển hóa hơn 41% so với những người ngủ 6-8 giờ mỗi đêm. Phát hiện này được rút ra từ 2 cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian 2005-2008 và thực hiện lần nữa trong thời gian 2008-2011 về lối sống bao gồm các câu hỏi về thói quen ngủ.
Những người tham gia cũng được kiểm tra sức khỏe và có tiền sử bệnh tật giống nhau. Sau thời gian theo dõi trung bình khoảng 2,6 năm, có khoảng 560 (22%) người tham gia mắc hội chứng chuyển hóa. Thời gian ngủ ngắn có liên quan tới tăng 30% nguy cơ đường huyết cao và dư thừa mỡ bụng cũng như tỷ lệ bị tăng huyết áp cao hơn 56% so với những người ngủ nhiều hơn.
Hạn chế của nghiên cứu này là phụ thuộc vào việc người tham gia nhớ lại và báo cáo về thói quen ngủ, tình trạng bệnh và hành vi lối sống của họ, và thiếu dữ liệu về chất lượng giấc ngủ.
Để tránh tác hại của thiếu ngủ, người bệnh nên theo dõi chặt chẽ thói quen hàng ngày của họ và đảm bảo rằng họ được ngủ đủ giấc. Thời gian ở chỗ làm, trường học, nhà trẻ có thể là bắt buộc nhưng thời gian để xem tivi, xem phim có thể thay thế bằng nghỉ ngơi nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu chưa biết làm thế nào để có thể đảo ngược tác hại của ngủ quá ít. Tuy nhiên, việc áp dụng một lối sống lành mạnh bao gồm ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn.
BS Tuyết Mai
Theo Medicaldaily/Univadis