Trong lúc tập luyện, người này thường đấm, đá vào lưng học sinh với những cú rất mạnh. Clip khiến nhiều người xem bàng hoàng vì những cú đánh của thầy khiến các học sinh nhỏ tuổi hết sức sợ hãi nhưng vẫn phải chấp nhận luyện tập tiếp vì sợ lại bị đòn. Trong clip có cảnh, một học sinh nữ, sau cú đạp quá mạnh của thầy đã gần như không thở được phải giơ tay xin thầy cho dừng lại mấy giây rồi tập tiếp.
Được biệt clip trên được ghi ở lớp học võ được tổ chức tại Trường TH Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bước đầu xác định người thầy dạy võ Karate xuất hiện trong clip lan truyền trên mạng xã hội là người được đoàn thể thao huyện Yên Lạc thuê để huấn luyện, dạy cho các VĐV trong đoàn, là một cán bộ của Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay sau khi clip phát tán trên mạng xã hội, cơ quan công an đã mời thầy giáo này lên làm việc. Tại buổi làm việc với cơ quan công an, thầy dạy võ khai: Do áp lực thành tích, để các em đạt thành tích cao nên đã dạy dỗ nghiêm khắc. Công an TP Vĩnh Yên cũng đã cho giám định thương tích của một số em học viên trong lớp học võ, tuy nhiên không có hậu quả nghiêm trọng.
Điều đáng trách ở đây là thầy giáo này có những động tác khiến người ngoài nhìn vào khó chấp nhận. Mặc dù, những động tác đó không gây thương tích cho người tập luyện nhưng rõ ràng rất phản cảm. Theo ý kiến của các chuyên gia thể thao, cách thức huấn luyện này hoàn toàn phản khoa học; rất dễ gây chấn thương cho người học. Không một trung tâm rèn luyện thể thao nào chấp nhận cách dạy này.
Nhân sự việc này lại thấy, bất kể công việc gì liên quan đến việc dạy là đều phải có nghiệp vụ. Vẫn biết áp lực của thầy dạy võ là muốn huấn luyện cho học sinh tốt nhất để có được thành tích, nhưng không thể vì thành tích mà làm vậy. Không biết thầy giáo này có chứng chỉ hành nghề hay có bằng cấp về nghiệp vụ chuyên môn hay không.
Nhắc lại sự việc trên để thấy một điều, hiện nay các võ đường, trung tâm thể dục thể thao, các phòng tập Gym mọc lên như nấm sau mưa, ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Việc huấn luyện thể thao nếu không phải là ở những trường, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao thì thường mang tính phong trào. Việc dạy được thực hiện theo lối truyền dạy kỹ năng, người trước dạy người sau, lâu năm lên đai trở thành võ sư.
Nhưng cũng nhân sự việc này mới thấy, lĩnh vực thể dục thể thao cũng rất cần có nghiệp vụ sư phạm tối thiểu. Nếu thầy dạy võ trên có nghiệp vụ chuyên môn, biết kiểm soát hành vi của mình một cách đúng mực chắc chắn không có sự việc trên. Thiết nghĩ, hoạt động rèn luyện thể thao ở các cơ sở rất cần có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.