Thiếu hụt lao động trình độ cao đẳng nghề

GD&TĐ - Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, nâng cao chất lượng lao động là một yếu tố quyết định để thực hiện chủ trương này, đồng thời thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực. 

Thiếu hụt lao động trình độ cao đẳng nghề

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lao động cũng hết sức cần thiết để tiếp thu hiệu quả công nghệ mới và hội nhập quốc tế.

“Bài toán” cơ cấu lao động

Năm 2015, dân số Việt Nam ước khoảng 91,7 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,6 triệu người. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 47,8 triệu người. Tỷ lệ qua đào tạo chung là 51,6%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ đạt gần 21%. Trước yêu cầu phát triển và hội nhập, chất lượng và cơ cấu lao động Việt Nam đang còn nhiều bất cập cần được giải quyết.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Bằng Huy cho biết, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp chiếm 28,54%, đứng ở vị trí thứ hai là nhóm lao động công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ chiếm 22,26%, xếp thứ 3 là nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm 17,52% và thấp nhất là nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề chỉ chiếm 2,2% tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp.

Đánh giá về chất lượng lao động của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, một bộ phận lớn người lao động Việt Nam hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Đặc biệt, sự thiếu hụt lao động trình độ cao đẳng nghề sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tiếp thu và cập nhật các ứng dụng công nghệ sản xuất mới trong mọi lĩnh vực.

Thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo

Tình trạng thiếu hụt kỹ năng và cơ cấu lao động mất cân bằng như hiện nay, được cho là có nguyên nhân đến từ đào tạo nghề. Trong những năm qua, phần lớn chỉ được chú trọng vào đào tạo chuyên môn cứng, khả năng làm việc độc lập trong khi hội nhập đang cần các kỹ năng toàn diện hơn.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, nếu lao động Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, việc dạy và đào tạo các trường dạy nghề chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, lao động Việt Nam rất khó để cạnh tranh trong thị trường khu vực, gia tăng lợi thế của mình và nguy hiểm hơn là đánh mất thị trường lao động và cơ hội việc làm ngay trên “sân nhà”.

Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng lao động, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác đào tạo đặc biệt là đào tạo nghề cho người lao động. Đào tạo nên gắn với thực tiễn đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tự đào tạo lao động để đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề cân đối cơ cấu lao động, cần tăng cường công tác hướng nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm trong các cơ sở GD-ĐT, thậm chí công tác hướng nghiệp cần thực hiện từ rất sớm; tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường lao động để các nhà trường, học sinh, sinh viên và phụ huynh có định hướng trong đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Theo Báo cáo đánh giá “Thị trường lao động Việt Nam” của Cục Việc làm: Dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động Việt Nam đạt khoảng 59,2 triệu người. Trong số 17 ngành kinh tế cấp I, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh lao động.

Dự báo đến năm 2020, có khoảng trên 20 triệu người làm việc trong ngành này (giảm gần 5 triệu người so với năm 2015); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo khoảng trên 9,7 triệu người (tăng hơn 2 triệu người so với năm 2015); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác: Khoảng 8,5 triệu người (tăng khoảng 1,8 triệu người so với năm 2015).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.