Ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đủ lực lượng giáo viên đứng lớp cho năm học mới.
Giáo viên THCS dạy tiểu học
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ngành Giáo dục TP bảo đảm cho 100% học sinh lớp 3 trong năm học này được học Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, TP chủ động các kịch bản, phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế.
Với lớp 1 và 2, các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện Chương trình tiếng Anh tự chọn, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận môn Tin học. Với học sinh lớp 4 và 5, các trường tiếp tục dạy Tiếng Anh tự chọn theo chương trình cũ và chương trình thí điểm Tiếng Anh cấp tiểu học, tăng cường tổ chức dạy Tiếng Anh 8 buổi/tuần.
Để tổ chức giảng dạy, năm học 2022 - 2023, TPHCM thiếu hơn 2.100 giáo viên ở cấp tiểu học, trong đó nhiều nhất vẫn là Tiếng Anh và Tin học. Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các trường có phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, bảo đảm tổ chức dạy học được hai môn này theo quy định. Các phòng GD&ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức có thể điều động giáo viên dạy liên trường ở cùng cấp học; biệt phái giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại trường tiểu học.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, thực hiện được điều này, giáo viên THCS phải được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo biệt phái, điều động dạy liên trường, liên cấp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm đúng quy định.
“Đối với các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp. Cùng với đó, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường; xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đường truyền, thiết bị và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại điểm cầu. Đồng thời tham mưu các cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp với tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học”, ông Quốc nhấn mạnh.
TPHCM thiếu hơn 2.100 giáo viên ở cấp tiểu học, trong đó nhiều nhất là giáo viên Tiếng Anh và Tin học. |
Hợp đồng với giáo viên về hưu
Thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học là nỗi lo của không ít trường học khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, giải pháp điều động giáo viên THCS dạy tiểu học các môn Tiếng Anh và Tin học rất khó. Bởi bậc THCS cũng thiếu nên không có giáo viên để “chi viện” cho khối tiểu học. Thời gian qua, các trường trên địa bàn đã tự xoay xở, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng.
Còn ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết, dù đã giao quyền tự chủ tuyển dụng cho các trường gần 6 năm nay, năm nào cũng đăng ký tuyển dụng nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn, nhất là Tiếng Anh và Tin học vẫn tồn tại. Theo thống kê, trên địa bàn quận Bình Tân riêng môn Tiếng Anh và Tin học ở bậc THCS đang thiếu 8 giáo viên, còn tiểu học thiếu 19 người.
“Song song với công tác tuyển dụng, giải pháp trước mắt mà các trường trên địa bàn đưa ra là hợp đồng với giáo viên về hưu và công tác tại các trung tâm để bảo đảm đủ nhân sự thực hiện chương trình giảng dạy. Thực tế việc điều động giáo viên từ các cấp học tại quận Bình Tân cũng rất khó. Bởi hiện tại bậc THCS cũng thiếu giáo viên 2 môn học này”, ông Tuyên cho hay.
Trường Tiểu học Bình Trị 1 (quận Bình Tân) có 3.895 học sinh với 88 lớp. Hàng năm, nhà trường theo kế hoạch của UBND quận tổ chức tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh nhưng không có thí sinh đăng ký. Giải pháp mà trường đưa ra là hợp đồng với thầy cô đang dạy ở các trung tâm trên địa bàn. “Hiện, trường hợp đồng với 1 giáo viên dạy môn Tin học và 7 giáo viên Tiếng Anh. Năm học này trường đang chờ kế hoạch tuyển dụng của UBND quận”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Trang thông tin.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, vấn đề thiếu giáo viên ở TPHCM liên quan đến nguồn đào tạo và việc lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên. Với sinh viên học Ngoại ngữ và Tin học ở các trường đại học, khi đặt giữa hai lựa chọn là đi dạy và làm ngoài, nhiều em chọn làm ngoài. Do đó, ở huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, việc tuyển giáo viên các môn này càng khó khăn.
“Giải pháp đối với việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học, sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng; ký hợp đồng ngắn hạn để thực hiện nhiệm vụ, với điều kiện đặt ra là các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp cấp học. Sở cũng dành nhiều đợt tuyển dụng viên chức, trong đó ưu tiên hai môn học này, đồng thời đặt hàng giáo viên theo khu vực. Chẳng hạn huyện Bình Chánh thiếu giáo viên, sở sẽ phối hợp với các trường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này về phục vụ cho địa phương …”, ông Minh cho hay.
“Cùng với giải pháp điều động giáo viên, Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị phòng GD&ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức tham mưu UBND các cấp có biện pháp lâu dài trong việc quy hoạch, tuyển dụng giáo viên dạy đúng và đủ môn học. Điều này nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hoặc bố trí giáo viên không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo; chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho những môn mới của Chương trình GDPT 2018”, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi.