Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm 'ế việc'

GD&TĐ - Dù thiếu hàng trăm nghìn giáo viên nhưng nhiều sinh viên sư phạm ra trường vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế.

Tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng, nhiều thí sinh tìm hiểu về ngành Sư phạm. Ảnh: Hùng Anh
Tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng, nhiều thí sinh tìm hiểu về ngành Sư phạm. Ảnh: Hùng Anh

Nghịch lý này dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực và cần sớm được khắc phục.

Loay hoay tìm việc

2 lần tham gia kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục nhưng cô Nguyễn Thị Thu Hồng ở Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn chưa được vào biên chế. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Khoa Sư phạm Toán, cô Hồng mơ ước trở thành viên chức ngành Giáo dục. Ước mơ đó chưa thành hiện thực dù cô đã ra trường gần 5 năm.

Hiện, cô Hồng dạy hợp đồng cho một trường nghề ở Đông Anh (Hà Nội) và nhận làm gia sư cho học sinh. “Thời điểm tôi thi viên chức, chỉ tiêu có 1 - 2 giáo viên Toán, nhưng số người thi lên đến vài chục người. Tỷ lệ chọi khá cao và tôi là người không may mắn trúng tuyển”, cô Hồng bộc bạch và cho biết, nhiều bạn học cùng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chưa được vào biên chế, không địa phương nào ký hợp đồng giảng dạy nên nhiều người “bẻ lái” sang làm công việc khác.

“Tại nơi tôi sinh sống, có đến 10 sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo giáo viên khác nhau nhưng chưa được vào biên chế. Một số người mở lớp dạy thêm ở nhà, có người đi dạy hợp đồng ở các trung tâm, trường nghề… Cũng có người chuyển sang làm công nhân hoặc bán hàng trực tuyến”, cô Hồng chia sẻ.

Liệu có hiện tượng: Ngành Giáo dục thiếu giáo viên, trong khi sinh viên tốt nghiệp sư phạm “ế việc”? GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề và đặt câu hỏi, thiếu do không có hoặc khan hiếm nguồn để tuyển, hay có nguồn nhưng giáo sinh không ứng thí? Thiếu do nhiều giáo viên xin bỏ việc hay thiếu do không có chỉ tiêu tuyển dụng, do tinh giản biên chế một cách cơ học?

“Đây là vấn đề cần được khảo sát, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Khi đã “bắt mạch” chẩn đoán chuẩn thì chúng ta sẽ có ‘phác đồ điều trị’”, GS.TS Đinh Quang Báo trao đổi.

thieu giao vien nhung sinh vien su pham e viec (2).jpg
Tân cử nhân trong ngày nhận bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Khắc phục nghịch lý

Theo ông Lê Tuấn Tứ (đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Khánh Hòa), vấn đề thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng được và không tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao được Bộ GD&ĐT nhiều lần đề cập. Điều này đồng nghĩa với việc, số sinh viên sư phạm ra trường vẫn chưa tuyển dụng hết và nguồn tuyển vẫn còn. Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023 còn hơn 74 nghìn chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng.

“Nghịch lý là, dù ngành Giáo dục xin chỉ tiêu biên chế nhưng khi giao về địa phương thì nhiều nơi không dám tuyển vì để dành chỉ tiêu trừ đi các suất diện tinh giản biên chế”, ông Lê Tuấn Tứ nêu thực tế và cho rằng, nhiều địa phương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp còn thực hiện cơ học.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, vướng ở đâu chúng ta gỡ ở đó. Chẳng hạn, không nên tinh giản biên chế cơ học 10% đối với ngành Giáo dục. Cần tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện chính sách ưu đãi về tiền lương nhằm thu hút nhà giáo; trọng tâm là Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, nghịch lý trên có thể do chưa có dự báo một cách hệ thống, đồng bộ trước những biến động của đời sống xã hội. Do đó, cần giải quyết bài toán quy hoạch để xây dựng chính sách nhằm thu hút được người giỏi để đào tạo, bồi dưỡng; phát triển được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có chất lượng cao, bền vững.

Ngoài ra, cần “kích thích đủ ngưỡng”, nghĩa là đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương đủ sống, không quá thấp so với mặt bằng xã hội. Muốn vậy, cần thúc đẩy cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương.

Hiện, Nhà nước trợ cấp 3,6 triệu đồng/tháng/sinh viên ngành Sư phạm đã tác động tích cực đến chất lượng và số lượng người thi vào ngành này. Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, với chính sách này, cùng với việc sinh viên ra trường có việc làm, mức lương hợp lý, chắc chắn sẽ có đội ngũ nhà giáo chất lượng cao.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cần làm tốt khâu khảo sát nhu cầu đào tạo. Trên cơ sở đó, tuyển dụng theo số lượng và cơ cấu, cải thiện về chế độ lương. Khi làm tốt từ khâu dự báo, khảo sát, quy hoạch sẽ giảm thiểu được tình trạng “lúc thừa, lúc thiếu” giáo viên và tình trạng sinh viên sư phạm bị “ế việc” sớm được khắc phục.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát số chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để bổ sung biên chế ngành Giáo dục trong năm học 2024 – 2025 và những năm tiếp theo. Với những địa phương thiếu giáo viên, còn chỉ tiêu biên chế, cần tuyển dụng đúng, đủ số lượng và chất lượng.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh nhìn nhận, thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm gây lãng phí nguồn nhân lực. Khắc phục tình trạng này, cần đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Có như vậy, mới tránh xảy ra tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên cần được tổ chức hằng năm nếu các địa phương, trường học có nhu cầu.

Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến tháng 4/2024, cả nước thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... Việc này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho triển khai chương trình và kế hoạch dạy học của các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.