Tìm lời giải cho 'bài toán' thừa - thiếu giáo viên

GD&TĐ - Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ.

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Tiết học tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc
Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Tiết học tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc

Hướng giải cho bài toán này tiếp tục được các đại biểu đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND các tỉnh, thành.

Thiếu giáo viên cục bộ

Tại tỉnh Đồng Nai, dù đã tích cực trong công tác tuyển dụng, tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn vẫn tiếp diễn. Cụ thể, so với biên chế được giao, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thiếu 1.773 giáo viên (trong đó, mầm non thiếu 507 người, tiểu học là 675, 390 với THCS, THPT: 201).

Trong giai đoạn 2020 - 2023, tổng số giáo viên nghỉ việc các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người. Trong đó, ngành học mầm non có số giáo viên nghỉ việc nhiều (494 giáo viên nghỉ việc, chiếm 42% trên tổng số giáo viên nghỉ việc).

Đặc biệt, tình hình tuyển dụng giáo viên mầm non còn hạn chế, tỷ lệ dự tuyển so với số đăng tuyển rất thấp, chỉ khoảng 23 - 26%. Đối với giáo viên bộ môn, hiện ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai khó tuyển dụng ở bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất các cấp học. Đây là các bộ môn thiếu dai dẳng trong thời gian dài, khó tuyển dụng.

Số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cũng cho thấy, ngành Giáo dục tỉnh này đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng (gần 3.000 người), tập trung chủ yếu vào giáo viên mầm non tư thục.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước tình trạng thiếu giáo viên hiện hữu, ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch tuyển viên chức cho năm học 2024 - 2025 là 265 vị trí. Trong đó, mầm non là 50 giáo viên, tiểu học 125 giáo viên, THCS 35 giáo viên và THPT 55 giáo viên.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề phát sinh nhu cầu tăng viên chức tại một số địa bàn thành phố, khu công nghiệp theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã phê duyệt số lượng hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 lĩnh vực GD-ĐT năm học 2024 - 2025 là 415 chỉ tiêu.

Còn tại TPHCM, từ năm 2018 đến năm 2023, thành phố cần tuyển 2.651 giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chỉ tuyển được 1.667 người, đạt 62,88%. Bên cạnh có 614 giáo viên các bộ môn này nghỉ hưu, bỏ việc vì hàng loạt lý do.

Tình trạng thiếu giáo viên “đến hẹn lại lên” tiếp tục được các đại biểu đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND các tỉnh, thành trong tháng 7 năm nay. Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh tại Kỳ họp thứ 14, khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho rằng, khó khăn và vướng mắc trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên là vấn đề nổi cộm.

“Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên được các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với tổng số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Trong số 30.807 sinh viên đăng ký hưởng chính sách, chỉ có 1.928 sinh viên được địa phương đặt hàng và 5.563 giao nhiệm vụ.

Hiện chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu. Như vậy, có thể thấy phương thức này không được triển khai hiệu quả như kỳ vọng của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh dẫn giải.

Đặc biệt, ông Phước dẫn chứng, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách Nhà nước cấp qua Bộ GD&ĐT chiếm 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Điều này cho thấy phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đào tạo giáo viên chưa đạt hiệu quả mong muốn.

thua thieu giao vien tim loi giai cho bai toan kho (2).JPG
Tiết học tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Hồ Phúc

Lên kế hoạch trám “lỗ hổng”

Để giải “bài toán” thiếu giáo viên, nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ đã khẩn trương ban hành các chính sách tuyển dụng nhằm bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu hụt để kịp cho năm học 2024 - 2025.

Tại tỉnh Tây Ninh, Giám đốc sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước cho hay, đơn vị đang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước để Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đào tạo sinh viên sư phạm mầm non.

Đối với các môn học cấp tiểu học, THCS, THPT, việc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên sẽ thực hiện khi phân hiệu đại học tại Tây Ninh thành lập. “Việc thành lập phân hiệu đại học tại Tây Ninh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các cấp học phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Điều này giúp sinh viên địa phương học tập và phát triển nghề nghiệp ngay tại quê nhà”, ông Phước nói.

Tại tỉnh Đồng Nai, Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X đã chính thức thông qua chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật và các bộ môn, địa bàn khó tuyển dụng (thuộc hệ thống công lập), thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, với số tiền gần 195 tỷ đồng.

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên mầm non các cơ sở giáo dục công lập, công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đối với giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, cơ sở giáo dục công lập tại địa bàn khó tuyển dụng.

Lãnh đạo sở GD&ĐT một tỉnh khu vực Đông Nam Bộ nói thêm về những vướng mắc cần tháo gỡ. Theo vị này, hiện có 6 cơ sở đào tạo được địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí hoặc trả một phần nhỏ, ảnh hưởng đến kinh phí đào tạo và hỗ trợ sinh viên sư phạm.

Điều này gây ra bất công giữa sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội. “Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm cũng gặp khó khăn. Hiện, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí, dẫn đến việc cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo. Điều này gây khó khăn cho cơ sở và sinh viên”, vị này nói.

Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, đến năm 2030 cả nước có thể thiếu 55.416 biên chế giáo viên mầm non. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.