Thiết lập “vấn đề chung” giúp dạy tốt môn Lịch sử

GD&TĐ - Kiến thức của phần lịch sử Việt Nam cũng như thế giới rất phong phú và đa dạng. Trong quá trình ôn tập cho học sinh nếu giáo viên không có kinh nghiệm dễ nhận thức sai dẫn đến hướng dẫn sai cho học sinh.

Thiết lập “vấn đề chung” giúp dạy tốt môn Lịch sử

Còn đối với học sinh, khi làm bài không phân tích kỹ đề cũng dễ lựa chọn kiến thức không đúng nên kết quả bài làm không cao, không đạt yêu cầu.

Cô Nguyễn Thị Hạnh - Trường THPT Yên Định 2 (Thanh Hóa) cho rằng, với cách thiết lập “vấn đề chung” sẽ giúp khắc phục những hạn chế nói trên.

Nhận dạng khác biệt trong “vấn đề chung”

Ví dụ 1: Về tình hình thế giới sau “chiến tranh lạnh’’. Vấn đề này có thể được ra theo 2 câu:

Những biến đổi của tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh?

Các xu thế phát triển của lịch sử thế giới hiện đại sau chiến tranh lạnh?

Câu này, học sinh rất dễ nhầm lẫn nếu trước đó không được luyện tập và củng cố. Học sinh không phân biệt được những biến đổi của tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh là gì và các xu thế phát triển của lcih sử thế giới sau chiến tranh lạnh là gì nên dẫn đến việc lựa chọn kiến thức sai.

Ví dụ 2: Về cơ hội và thách thức của Việt Nam, theo cô Nguyễn Thị Hạnh, bắt gặp trong các đề thi và đáp án vấn đề này dưới dạng 3 câu hỏi:

Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập ASEAN?

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước xu thế “toàn cầu hóa’’?

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước “xu thế mới của thế giới hiện đại”?

Rõ ràng là cùng một vấn đề chung (cơ hội và thách thức ) nhưng khi Việt Nam gia nhập vào ASEAN sẽ khác khi gia nhập vào xu thế “toàn cầu hóa’’. Vấn đề ở chỗ, giáo viên đã hướng dẫn cho học sinh nhận biết ra chỗ khác biệt trên nền một vấn đề chung đó chưa? Liệu học sinh có biết phân tích đề để lựa chọn kiến thức cơ bản cho đúng hay không?

Lập bảng tìm giống, khác nhau trong mỗi vấn đề chung

Nội dung này, cô Hạnh đưa ra 2 ví dụ:

Ví dụ 1: So sánh các chiến lược phát triển kinh tế của 5 nước ASEAN.

Ví dụ 2: So sánh nội dung chủ yếu của 2 văn kiện của Đảng trong năm 1930.

Các xác định vấn đề chung như sau:

Bước 1: Xác định vấn đề chung: Chiến lược phát triển kinh tế, Nội dung chủ yếu của 2 văn kiện.

Bước 2: Xác định nội dung cụ thể phải hình thành.

Ở ví dụ 1: Thời gian, mục tiêu, nội dung, thành tựu, hạn chế của hai chiến lược kinh tế.

Ở ví dụ 2: Tình chất,nhiệm vụ trước mắt, lực lượng lãnh đạo, lực lượng tham gia được trình bày trong hai văn kiện …

Bước 3: Lập bảng biểu, hoàn thành bài tập

Bước 4: Tìm ra những điểm giống nhau

Ở ví dụ 1: Chiến lược đều được thực hiện ở 5 nước ASEAN.

Ở ví dụ 2: Đều là các văn kiện của Đảng trong năm 1930.

Bước 5: Tìm ra những điểm khác nhau

Ở ví dụ 1: Khác nhau về mục tiêu, biện pháp, kết quả.

Ở ví dụ 2: Khác nhau về nhiệm vụ trước mắt, về lực lượng cách mạng

( quan điểm giai cấp, nhiệm vụ chống đế quốc, phong kiến).

Bước 6: Rút kinh nghiệm

Ở các vấn đề này, khi triển khai ôn tập thường hay mắc các lỗi như: Học sinh chủ quan vì các bảng so sánh này đã có sẵn trong tài liệu ôn tập, nên học sinh ít phải đầu tư nghiên cứu, cho là dễ dẫn đến qua loa; chưa hoàn thiện kiến thức, kỹ năng. Phần lớn học sinh chỉ mới hình thành ở mức độ 1 (hoàn thành bảng biểu). Các mức độ tiếp theo như so sánh, nhận xét, đánh giá…chưa thuần thục.

Cách khắc phục những lỗi trên là ôn tập kỹ; sử dụng nhiều thao tác trong ôn tập: Đặt câu hỏi, nhấn mạnh các ý chốt, hướng dẫn học sinh biết phân biệt nội dung kiến thức (giống, khác nhau…); ôn tập gắn với hình thành kỹ năng cho học sinh.

Những điểm lưu ý

Cô Nguyễn Thị Hạnh nhận định: Nội dung kiến thức trình bày trong sách giáo khoa thường theo trình tự thời gian. Các vấn đề cụ thể cũng được sắp xếp theo trình tự thời gian. Điều này có một thuận lợi cơ bản là:

Sách giáo khoa sẽ cung cấp 1 hệ thống kiến thức đủ để học sinh có thể hoàn thành được các câu hỏi ở mức độ “nhận biết” “thông hiểu” (chiếm khoảng 40 - 50% yêu cầu của các đề thi)

Việc kiểm tra đánh giá học sinh lại có yêu cầu cao hơn (nhất là các kỳ thi HSG và ĐH, CĐ). Mỗi đề thi ít nhất có từ 2 đến 3 câu hỏi khó đòi hỏi học sinh có trình độ nhận thức cao hơn (vận dụng, sáng tạo) mới đảm bảo được nội dung yêu cầu.

Như vậy, học sinh phải được ôn tập tốt hơn và phải biết vận dụng tốt hơn. Việc ôn tập phụ thuộc nhiều vào giáo viên, còn việc vận dụng phụ thuộc nhiều vào học sinh.

Giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ…; đồng thời, giải quyết hài hòa giữa các khâu trong quá trình dạy học giữa dạy kiến thức với ôn tập; giữa ôn tập kiến thức cơ bản với nâng cao…

Phải có phương pháp ôn tập tốt: Xác định kiến thức cơ bản, lựa chọn mức độ thời gian, xác định yêu cầu kiến thức kỹ năng, kiểm tra thực chất việc ôn tập của học sinh.

Tăng cường tương tác giữa giáo viên với học sinh qua thi cử: Việc kiểm tra thi cử phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Sau mỗi lỳ thi nên giành thời gian thích hợp để nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm chung để việc dạy và học ngày càng có kết quả cao hơn.

Cập nhật kiến thức thường xuyên qua tài liệu, sách vở, đồng nghiệp, Internet để tránh nguy cơ tụt hậu. Đồng thời, rèn cho học sinh phương pháp học tập tích cực, chủ động kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ