Thiết chế quyền lực

GD&TĐ - Tự chủ đại học (ĐH) được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật khá sớm và chính thức chi tiết hóa tại Luật Giáo dục ĐH năm 2012.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được thông qua với nội dung cốt lõi là mở rộng, nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ ĐH. Trong đó, vai trò của thiết chế hội đồng trường được cụ thể và nâng cao.

Cơ chế hội đồng trường là yếu tố quan trọng trong triển khai tự chủ ĐH. Theo quy định của luật, hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Hội đồng trường của trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức; đặc biệt chú ý việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường; hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động, làm việc của hội đồng trường…

Trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu; phân công rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, thành viên hội đồng trường trong xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của nhà trường.

Nhìn nhận tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự là khâu then chốt, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã thông suốt tự chủ ĐH phải gắn liền với đổi mới quản trị ĐH và thực hiện thành lập hội đồng trường; cụ thể hóa, nâng cao vai trò của hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động.

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục ĐH công lập thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Nguyên nhân chậm thành lập hội đồng trường, theo Bộ GD&ĐT, do một số đơn vị còn khó khăn về nhân sự, thiếu người đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường; chưa đồng thuận trong tập thể lãnh đạo, đảng ủy nhiệm kỳ mới chưa được bầu; cơ quan quản lý trực tiếp chưa phê duyệt...

Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai tự chủ ĐH nói chung, thiết chế hội đồng trường nói riêng còn không ít lúng túng, vướng mắc. Những vướng mắc này được nhiều đại diện cơ sở giáo dục ĐH, chuyên gia chia sẻ.

Nổi bật là nhận thức về vai trò, chức năng của hội đồng trường chưa thực sự được đề cao; thiết chế hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục ĐH còn mang tính hình thức, không hiệu quả. Bản thân Hội đồng trường chưa nhận thức hết vai trò, vị trí quyền hạn và lúng túng trong xây dựng quy chế, quy định hoạt động nội bộ của cơ sở giáo dục ĐH.

Nhiều thành viên hội đồng trường chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò của mình; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia hiệu quả quản trị trường ĐH. Có quan điểm cho rằng, Hội đồng trường làm hạn chế quyền lực cá nhân của hiệu trưởng, làm chậm tiến độ các quyết định tức thời vốn đang hiệu quả trước đây. Cũng có đơn vị, chủ tịch hội đồng trường chưa đủ uy tín, kinh nghiệm trong quản trị ĐH. Một số thành viên ngoài trường, thành viên là đại diện sinh viên chưa phát huy hết vai trò...

Để thực hiện hiệu quả tự chủ ĐH, nâng cao năng lực quản trị trên cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng trường; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng cho các thành viên hội đồng trường… vô cùng quan trọng. Làm sao đây phải là thiết chế quyền lực thực sự trong nhà trường. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác là một yêu cầu đặt ra…

Bộ GD&ĐT cũng xác định, giai đoạn 2022 - 2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ ĐH theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng, Nhà nước. Trong đó có việc làm rõ, sâu sắc hơn vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường/hội đồng ĐH, chủ tịch hội đồng trường/hội đồng ĐH trong hệ thống quản trị nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.